1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nghệ An:

Cả mẹ và con nhập viện vì thủy đậu

(Dân trí) - Theo thống kê, tỉ lệ trẻ nhập viện điều trị sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu vì quai bị, thủy đậu tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có trường hợp bị biến chứng viêm não.

Trẻ mắc thủy đậu, quai bị gia tăng sau Tết

Theo bác sỹ Nguyễn Văn Sơn – Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Sản Nhi Nghệ An, chỉ trong vòng 1 tháng qua, khoa tiếp nhận điều trị 118 ca bệnh liên quan đến quai bị, thủy đậu… Chỉ tính trong vòng 1 tuần, từ ngày 3 đến ngày 10/2, đã có 29 trường hợp mắc bệnh thủy đậu nhập viện điều trị, trong đó có trường hợp mới hơn 10 ngày tuổi.

Trẻ nhập viện điều trị thủy đậu tại Khoa Truyền nhiễm BV Sản Nhi Nghệ An tăng 15% sau Tết Nguyên đán.
Trẻ nhập viện điều trị thủy đậu tại Khoa Truyền nhiễm BV Sản Nhi Nghệ An tăng 15% sau Tết Nguyên đán.

“Thường thì sau Tết, các bệnh trên đều giảm nhưng năm nay lại có xu hướng tăng cao sau kỳ nghỉ Tết. Số bệnh nhân nhập viện điều trị tại khoa tăng từ 10-15% so với Tết năm ngoái. Đặc biệt, có một số trường hợp bị biến chứng viêm não. Các trường hợp mắc bệnh đều chưa tiêm phòng thủy đậu và quai bị”, bác sỹ Sơn cho hay.

Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, nôn ói, co giật. Phần lớn các trường hợp nhập viện điều trị đều chưa được tiêm phòng các loại bệnh trên. Có trường hợp cả mẹ lẫn con đều bị mắc bệnh thủy đậu như trường hợp chị Nguyễn Thị Nhung (quê xã Đại Sơn, Đô Lương, Nghệ An) có con trai là Trần Ngọc Minh (18 ngày tuổi).

Bệnh nhi Trần Ngọc Minh (18 ngày tuổi) được ghi nhận là trường hợp nhỏ tuổi nhất mắc bệnh thủy đậu, hiện đang điều trị tại BV Sản Nhi Nghệ An.
Bệnh nhi Trần Ngọc Minh (18 ngày tuổi) được ghi nhận là trường hợp nhỏ tuổi nhất mắc bệnh thủy đậu, hiện đang điều trị tại BV Sản Nhi Nghệ An.

Chị Nhung cho biết, sau Tết, mặt, tay, chân chị xuất hiện những nốt mụn nước, người sốt. Kiểm tra người con, chị Nhung cũng phát hiện những dấu hiệu tương tự nên đưa con đến bệnh viện kiểm tra. “Bác sỹ nói cả hai mẹ con bị thủy đậu, cần phải nhập viện điều trị. Trước đây tôi cũng chưa tiêm phòng thủy đậu, còn con thì chưa đến thời hạn tiêm chủng ngừa thủy đậu”.

Sau mấy ngày điều trị, các nốt thủy đậu trên mặt chị Nhung đã lặn bớt nhưng trên mặt, tay, chân của cháu Minh đang còn nhiều, có những nốt có dịch đục, mủ trắng. Hiện cả hai mẹ con đang được điều trị tích cực.

Mẹ con bệnh nhân Lê Thị Thành chưa tiêm phòng thủy đậu, hiện đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, BV Sản Nhi Nghệ An.
Mẹ con bệnh nhân Lê Thị Thành chưa tiêm phòng thủy đậu, hiện đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, BV Sản Nhi Nghệ An.

Trường hợp mẹ con chị Lê Thị Thành (quê Nghi Thái, Nghi Lộc, Nghệ An) và cháu Lê Tuệ Lâm (4 tháng tuổi) cũng tương tự. “Hai mẹ con phát bệnh cùng 1 lúc. Cháu sốt nhẹ, quấy khóc, mặt, toàn thân nổi mụn nước nên tôi đưa cháu vào bệnh viện kiểm tra và điều trị”, chị Thành cho hay. Chị Thành cũng chưa tiêm phòng thủy đậu. Sau hơn 1 tuần điều trị, hiện sức khỏe của chị Thành và cháu Tuệ Lâm đã ổn định, có thể xuất viện.

Bên cạnh đó, bệnh quai bị cũng có xu hướng tăng hơn cùng kỳ năm ngoái. Ông Bùi Công Đoàn (trú xã Viên Thành, Yên Thành, Nghệ An), người thân của bệnh nhân Bùi Công Hào (7 tuổi) cho biết: “Cách đây 1 tuần, cháu Hào bị sốt, kêu đau cổ, khó nuốt, má phải sưng to. Nhìn biểu hiện chúng tôi biết là cháu bị quai bị nhưng nghĩ bị nhẹ nên chỉ ở nhà lấy thuốc cho uống. Hôm qua cháu sốt cao, gia đình đưa đi viện. Bác sỹ nói cháu bị quai bị, biến chứng viêm não. May là viêm não thể nhẹ nên sau 1 ngày điều trị, cháu có đỡ hơn trước”.

Bệnh nhi Bùi Công Hào, nhập viện do quai bị biến chứng viêm não.
Bệnh nhi Bùi Công Hào, nhập viện do quai bị biến chứng viêm não.

Bệnh thủy đậu này thường bùng phát vào mùa Đông Xuân hàng năm, kéo dài cho tới hết mùa Xuân. Hiện nay, bệnh thủy đậu đang vào mùa, dễ lây lan rộng trong môi trường cộng đồng. Trẻ em trong độ tuổi từ 2-8 tuổi có nguy cơ mặc bệnh cao nhất; ngoài ra, người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không được phòng ngừa đầy đủ. Đối với người lớn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, mắc thủy đậu có khả năng biến chứng và nặng hơn trẻ em.

Bởi vậy, theo khuyến cáo của bác sỹ Nguyễn Văn Sơn, biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm phòng đầy đủ. Khi xuất hiện các biểu hiện sốt cao, đau đầu, nôn ói, quấy khóc… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh việc phát hiện, điều trị muộn có thể gây biến chứng đáng tiếc.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm