Ca Covid-19 mới từng test nhanh âm tính, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói gì?
(Dân trí) - Ca mắc Covid-19 mới nhất tại Hà Nội được công bố sáng 6/8 từng xét nghiệm test nhanh âm tính, có hành trình di chuyển dày đặc, phức tạp qua 5 bệnh viện, 3 địa phương.
Dân trí trao đổi với ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội sau khi thành phố phát hiện ca mắc Covid-19 thứ 3 liên quan đến Đà Nẵng:
- Ca mắc Covid-19 mới nhất của Hà Nội đã đến 5 bệnh viện, trong đó có 2 cơ sở của Hà Nội. Ông đánh giá như thế nào về nguy cơ của các bệnh viện?
Theo báo cáo trường hợp này có liên quan đến 5 bệnh viện trên địa bàn: 3 bệnh viện trung ương, 2 bệnh viện của Hà Nội. Bước đầu, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông báo cáo đã đảm bảo được vấn đề phân luồng, cho bệnh nhân vào khu khám sàng lọc ngay từ đầu, cán bộ y tế có trang phục bảo hộ đầy đủ.
Với Bệnh viện Phổi Hà Nội, bệnh nhân mới ở bên ngoài, chưa vào khu sàng lọc.
Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế phải đảm bảo khâu phân luồng, cách ly, khu vực khám riêng ngay từ đầu với những trường hợp đến khám có biểu hiện sốt, ho…; cán bộ y tế phải được trang bị bảo hộ đầy đủ.
- Trường hợp trên đã được làm test nhanh cho kết quả âm tính, sau 5 ngày làm xét nghiệm PCR lại dương tính. Theo ông, việc test nhanh có thực sự hiệu quả?
Trong giai đoạn này, TP đã rà soát được hơn 93.000 người đi từ Đà Nẵng về, tiến hành test nhanh cho hơn 70.000 người. Việc thực hiện test nhanh thời gian qua để sàng lọc sớm ca bệnh là cần thiết. Tuy nhiên đúng như tên gọi, test này có độ nhạy, độ đặc hiệu nhất định, không thể có độ chính xác cao như làm xét nghiệm PCR. Ngay cả với xét nghiệm PCR, vẫn có thể xảy ra tình huống lần một âm tính, lần thứ 2 làm lại dương tính.
Vì thế, ngành y tế vẫn khuyến cáo những trường hợp được làm test nhanh mà có kết quả âm tính vẫn phải tuân thủ việc tự cách ly và theo dõi sức khỏe. Trường hợp dương tính thì đã được cách ly ngay, lấy mẫu và làm xét nghiệm PCR để khẳng định.
Ngoài ra, song song với làm test nhanh, TP cũng lấy mẫu xét nghiệm PCR cho hơn 500 trường hợp gồm những người đi qua các bệnh viện của Đà Nẵng, các địa điểm được Bộ Y tế khuyến cáo cả có triệu chứng nghi ngờ và không có triệu chứng.
- Chiến lược xét nghiệm trong thời gian tới của Hà Nội thay đổi như thế nào?
- Hà Nội sẽ mở rộng việc xét nghiệm theo chỉ đạo của Bộ Y tế, của Thành phố. Kể cả những trường hợp liên quan đến mua thuốc ho, sốt cũng cần xem xét, sàng lọc kỹ. Tinh thần là mở rộng xét nghiệm PCR cho những người có triệu chứng nghi ngờ, biểu hiện nghi ngờ hoặc nghi ngờ mắc vì thực tế có nhiều trường hợp không có triệu chứng bệnh nhưng vẫn mắc.
Tại cộng đồng, có 2 nhóm đối tượng cần đặc biệt lưu ý:
Thứ nhất là những người đi qua các tỉnh có dịch, không chỉ Đà Nẵng, có triệu chứng chỉ cần ho, sốt, đau họng (khó thở là khi bệnh đã có biểu hiện nặng) cần đến ngay cơ sở y tế được được xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2.
Thứ hai, người dân rà soát nếu đi qua các điểm đã được Bộ Y tế khuyến cáo trong các thông báo khẩn thì đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, phân loại, có thể xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2.
Người dân chủ động tự cách ly tại nhà khi chưa đến được cơ sở y tế, phòng tình huống mắc bệnh thì hạn chế lây lan cho người thân. Sở Y tế đã yêu cầu các trạm y tế tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm.
Tại bệnh viện, Hà Nội cũng lưu ý các cơ sở y tế tăng cường xét nghiệm với bệnh nhân có yếu tố nguy cơ.
Ngoài những người có yếu tố nguy cơ cao đi về từ vùng dịch thì những người đến bệnh viện khám với các biểu hiện hô hấp là có vấn đề, các bệnh viện cần xem xét kỹ. Các bệnh nhân đang nằm viện có triệu chứng hô hấp chưa tìm được nguyên nhân, bệnh nhân nặng có nghi ngờ thì cũng cần tăng cường làm xét nghiệm PCR nhiều hơn để sàng lọc SARS-CoV-2.
- Với việc mở rộng xét nghiệm như vậy, với năng lực xét nghiệm hiện nay Hà Nội có thể đáp ứng?
Ngoài CDC Hà Nội, theo chỉ đạo của Bộ Y tế về việc mở rộng xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 ra các bệnh viện, Hà Nội đã rà soát, thống kê trên địa bàn có 10 bệnh viện có thể làm được xét nghiệm PCR, trong đó có 7 bệnh viện công lập. Chúng tôi đã phân công cụ thể, phân luồng để các đơn vị này hỗ trợ cho tuyến dưới. Công suất xét nghiệm tối đa trong một ngày của Hà Nội là khoảng 4.000-5.000 mẫu.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo 3 đơn vị thuộc Bộ gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm Covid-19 đối với các trường hợp đi về từ TP Đà Nẵng và các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Tinh thần của Hà Nội là cố gắng hết sức để phát hiện sớm ca bệnh, thực hiện cách ly và điều trị, khoanh vùng ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng. Để làm được việc này ngành y tế rất cần sự chung tay của người dân.
Test nhanh có đặc điểm là độ nhạy, độ chính xác thấp hơn. Độ nhạy khoảng 65-80% và cơ thể càng bị nhiễm lâu càng nhạy; độ đặc hiệu khoảng 60-70% vì phản ứng chéo với kháng thể sinh ra đối với các loại virus, vi khuẩn khác.
Điều đó có nghĩa là xét nghiệm nhanh có tỷ lệ trên 20% là vừa nhầm vừa sót. Xét nghiệm có thể nhầm (xét nghiệm cho kết quả dương tính nhưng thực chất dương với loại virus, vi khuẩn khác) và cũng bỏ sót người đã bị nhiễm nhưng chưa phát bệnh hoặc mới phát bệnh (ít hơn 3 ngày).