Bụng phình to, da vàng sậm vì tự ý bỏ điều trị viêm gan B
(Dân trí) - Khi thấy các chỉ số xét nghiệm về mức bình thường, bệnh nhân tự ý bỏ thuốc điều trị viêm gan B. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng bệnh nhân đã phải nhập viện cấp cứu vì suy gan nặng.
Ngày 21/2, ông N.V.T, 67 tuổi, địa chỉ tại Nam Từ Liêm, Hà Nội được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng da, mắt vàng sậm, bụng chướng hơi.
Tuy nhiên, cách đây 2 tháng thấy các chỉ số xét nghiệm trở về mức bình thường và tải lượng virus ở dưới ngưỡng phát hiện, ông T. đã tự ý bỏ thuốc.
Cách đây 1 tuần, bệnh nhân xuất hiện tình trạng mệt mỏi, chán ăn, vàng da vàng mắt tăng dần kèm bụng trướng, đau âm ỉ khắp bụng.
TS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu chia sẻ về tình trạng của bệnh nhân: "Bệnh nhân bị suy gan rất nặng. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bilirubin của bệnh nhân tăng gấp 30 lần, men gan tăng gấp 10 lần so với thông thường. Bên cạnh đó, chỉ số đông máu của bệnh nhân giảm xuống rất thấp".
Theo BS Hùng, với tình trạng nặng như vậy, nhiều khả năng phải tiến hành lọc máu, thay huyết tương cho bệnh nhân T.
Các trường hợp bệnh diễn biến nặng do tự ý bỏ thuốc điều trị viêm gan B, không qua tham vấn ý kiến bác sĩ, khi thấy các chỉ số về mức bình thường như bệnh nhân T. là khá phổ biến.
Theo BS Hùng, bệnh viêm gan B mạn tính hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Mục đích của việc điều trị là ức chế virus ở một ngưỡng an toàn, để virus không gây hại cho gan.
Do đó, khi bệnh nhân dừng uống thuốc, tải lượng virus lại bùng lên và phá hủy tế bào gan ồ ạt dẫn đến suy gan.
Một thực trạng khác liên quan đến điều trị viêm gan B, theo BS Hùng, là người bệnh trong quá trình dùng thuốc kháng virus và các loại thuốc do bác sĩ kê đơn khác lại nghe truyền miệng mua thêm thuốc bắc, thuốc nam, được quảng cáo chữa khỏi viêm gan B để uống cùng dẫn đến "tiền mất, tật mang".
"Cách đây 2 tuần, chúng tôi vừa tiếp nhận 1 bệnh nhân viêm gan B, sau khi uống 10 thang thuốc nam (mỗi ngày 3 thang) đã dẫn đến tình trạng vàng da vàng mắt, suy gan phải lọc máu", BS Hùng cho biết.
Phân tích về tình trạng này, theo BS Hùng, các loại thuốc khi uống vào sẽ được chuyển hóa ở gan. Trong khi gan của các bệnh nhân viêm gan B đã rất yếu lại phải thêm tác động của các thuốc khác làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh.
Chuyên gia này nhấn mạnh rằng, điều trị bệnh gan mạn tính là điều trị kéo dài. Những bệnh nhân viêm gan B mạn tính thường phải dùng thuốc cả đời việc tự ý bỏ thuốc điều trị là rất nguy hiểm. Tuy nhiên, tâm lý của nhiều người bệnh lại muốn chữa khỏi nhanh nên dẫn đến những trường hợp đáng tiếc như trên.