1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bụi mịn ở ngưỡng đỉnh điểm: Dùng khẩu trang như thế nào để ngăn chặn hiệu quả?

(Dân trí) - Để đối phó với tình trạng ô nhiễm môi trường, bụi mịn ở ngưỡng có hại cho sức khoẻ, nhiều người coi khẩu trang như giải pháp hiệu quả để ngăn chặn hít phải bụi mịn. Tuy nhiên, không phải cứ đeo khẩu trang là có thể ngăn ngừa bụi mịn mà cần lựa chọn loại khẩu trang phù hợp, đeo khẩu trang đúng cách.

Bụi mịn (Particulate Matter – PM) là các hạt chất rắn hoặc chất lỏng rất nhỏ lơ lửng trong không khí. Bụi mịn sinh ra do quá trình đốt nhiên liệu trong các động cơ sử dụng trong giao thông, sản xuất công nghiệp;  đốt các chất đốt, rác thải hay phế phụ phẩm hàng ngày. Nó cũng được sinh ra do cháy rừng, núi lửa phun hay do các thực vật phát tán ra như phấn hoa, tinh dầu, bào tử nấm mốc… Ước tính tại Châu Âu, tuổi thọ trung bình của người dân giảm khoảng 8,5 tháng do tác hại của ô nhiễm bụi mịn.

Người ta phân nhóm bụi mịn theo kích thước. PM 10 là những hạt bụi có đường kính dưới 10 micron, tức là có kích thước ngang bằng hoặc nhỏ hơn đa số các vi khuẩn. PM 2,5 là bụi có đường kính dưới 2,5 micron. Thông thường PM 2,5 chiếm 40-60% thành phần của PM 10.

Ngoài các giải pháp tổng thể để giảm mức ô nhiễm bụi min, việc sử dụng khẩu trang để hạn chế tác hại của bụi mịn cũng là vấn đề nhiều người quan tâm.

Bụi mịn ở ngưỡng đỉnh điểm: Dùng khẩu trang như thế nào để ngăn chặn hiệu quả? - 1

Trong khi khẩu trang vải có thể lọc được từ 39 đến 65% số bụi mịn, khẩu trang phẫu thuật lọc 60% hạt 0,03 micron và hơn 90% hạt 1 micron và 2,5 micron.

Trên thị trường, có 3 dòng khẩu trang thông dụng: Khẩu trang vải, khẩu trang phẫu thuật và khẩu trang chuyên dụng.

Khẩu trang vải rẻ tiền và thời trang, lại có thể giặt để tái sử dụng nên rất thông dụng. Tuy nhiên xét về cảm quan, khoảng cách giữa các sợi vải khá lớn nên có tác dụng ngăn các hạt bụi lớn là chủ yếu, các hạt bụi mịn có thể đi qua khe thoáng giữa các sợi vải dễ dàng nên khả năng ngăn ngừa bụi mịn khá hạn chế.

Khẩu trang phẫu thuật , hay còn gọi là khẩu trang y tế thường được làm bằng 3 lớp vải không dệt, có 1 thanh nhôm để uốn khẩu trang cho sát với khuôn mặt nên hạn chế được khe kẽ gây lọt bụi. Loại này có khoảng cách giữa các sợi vật liệu dày hơn. Khẩu trang phẫu thuật giá cũng khá rẻ, nhưng có nhược điểm chỉ dùng được 1 lần nên chi phí cao hơn và khi thải bỏ làm gia tăng lượng rác thải.

Khẩu trang chuyên dụng, có nhiều loại, trong đó sẵn có hơn cả là loại N95. Loại này cấu tạo bởi nhiều lớp vật liệu, có thể có cả những thành phần hấp phụ như than hoạt nên khả năng lọc bỏ các mầm bệnh và bụi mịn tốt hơn. Nhưng loại khẩu trang này khá đắt tiền và rất bí, nên thường chỉ được sử dụng cho những người làm việc trong môi trường lây nhiễm, độc hại và cũng chỉ đeo được trong thời gian không quá lâu.

Đánh giá về tác dụng loại bỏ bụi mịn của 3 loại khẩu trang trên, các nhà khoa học của trường Đại học Massachusetts (Mỹ) đã nghiên cứu và nhận thấy: Khẩu trang vải có thể lọc được từ 39 đến 65% số bụi mịn. Khẩu trang phẫu thuật lọc 60% hạt 0,03 micron và hơn 90% hạt 1 micron và 2,5 micron.

Còn khẩu trang N95 lọc được hầu hết các loại bụi mịn. Với những kết quả này, các tác giả đã khuyến cáo: Khẩu trang vải chỉ nên dùng để ngăn ngừa các hạt bụi lớn còn khẩu trang phẫu thuật và khẩu trang N95 có thể bảo vệ khá hiệu quả nếu trong môi trường làm việc, sinh hoạt ô nhiễm quá cao các loại bụi mịn PM 2,5."

Điều quan trọng khi sử dụng các loại khẩu trang là phải đeo đúng cách. Với khẩu trang phẫu thuật và khẩu trang N95, phía trên luôn có một dải nhôm mảnh để uốn khẩu trang bám sát khuôn mặt. Sau khi đeo, uốn xong chúng ta có thể kiểm tra độ kín của khẩu trang bằng cách hít hoặc thổi mạnh. Nếu khẩu trang móp xẹp khi hút hoặc phồng ra khi thổi và không có luồng khí phụt ra qua khe mũi má là khâu trang đã đạt độ kín.

Và thêm nữa, khẩu trang chỉ là biện pháp hạn chế một phần tác hại của bụi mịn. Để giải quyết ô nhiễm không khí nói chung và ô nhiễm bụi mịn nói riêng đòi hỏi phải có các biện pháp tổng thể và toàn dân như: Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, sử dụng những công nghệ tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế đốt rác thải, phế phẩm công, nông nghiệp đồng thời tăng cường trồng cây xanh mới là con đường bền vững để giảm thiểu ô nhiễm không khí và các tác hại của bụi mịn.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương