Bữa ăn gia đình, học đường thiếu dinh dưỡng
Cuộc sống hiện đại, con người ta luôn tất bật, nhiều bà mẹ không còn thời gian để chăm lo bữa ăn cho gia đình tươm tất. Điều này đã ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Từ bữa ăn ở gia đình bận rộn…
Mỗi sáng trước giờ học, đến các trường tiểu học, THCS ở TPHCM, chúng ta thường bắt gặp những bà mẹ, ông bố dựng xe trước cổng trường cho trẻ ăn vội; các hàng quán bán thức ăn trước cổng trường có rất đông các bà mẹ đưa con đến lớp ghé qua “làm” cho bé hộp xôi, hộp cơm để trẻ kịp mang vào lớp. Chị Nguyễn Xuân Th. (ngụ Q.Tân Bình) có hai con nhỏ 12 tuổi và 7 tuổi. Công tác ở Q.5, hằng ngày chị phải có mặt ở nơi làm việc lúc 7 giờ. Thời gian bận rộn nên buổi sáng chị không kịp chế biến bữa ăn sáng cho các con, thay vào đó, hôm thì mua gói xôi, hôm ổ bánh mì bên ngoài khi đưa con đến lớp; hoặc cho tiền để con tự ăn. “Có hôm bọn trẻ không kịp ăn, hoặc làm biếng, đợi đến giờ ra chơi mua đồ ăn vặt. Biết con ăn vậy là thiếu chất nhưng bận rộn, mà nhà không có người giúp việc, đành chịu!”, chị Th. nói.
Chất lượng bữa ăn tại trường vẫn còn là nỗi băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh
…đến bữa ăn học đường thiếu dinh dưỡng
Mặc dù theo đánh giá của các chuyên gia dinh dưỡng, các trường bán trú đã rất cố gắng vượt qua những khó khăn về hạn chế mặt bằng, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn để từng bước cải thiện bữa ăn cho học sinh. Song trên thực tế, chất lượng bữa ăn tại trường vẫn còn là nỗi băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh. Kết quả nghiên cứu về dinh dưỡng gần đây ở một số trường tiểu học tại các thành phố lớn đã cho thấy sự bất cập về chất lượng dinh dưỡng của bữa ăn học đường này. Cụ thể, số loại thực phẩm được sử dụng chế biến cho bữa ăn bán trú hàng ngày chỉ từ 9 đến 11 loại, trong khi khuyến cáo của Bộ Y tế nên ít nhất là 15 loại. Về giá trị dinh dưỡng của khẩu phần, bữa ăn tại các trường đã đạt nhu cầu khuyến cáo về khẩu phần chất đạm, nhưng năng lượng chỉ đạt 61% - 76%. Đặc biệt, khẩu phần các vi chất dinh dưỡng thiết yếu rất thấp, như khẩu phần can xi chỉ đạt 28,8%; khẩu phần sắt đạt dưới 75%, khẩu phần vitamin A dưới 80%, vitamin B2 dưới 33%; vitamin C dưới 51%, vitamin D dưới 20%...
Nguyên nhân dẫn tới chất lượng dinh dưỡng của bữa ăn bán trú chưa đảm bảo là do, hầu hết những người phụ trách chế độ ăn uống trong trường (quản lý, cấp dưỡng…) chưa từng qua trường lớp đào tạo về dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc lên thực đơn bữa ăn hàng ngày cho học sinh tại trường được làm theo kinh nghiệm nấu nướng của cấp dưỡng và phụ thuộc chủ yếu vào số tiền đóng góp từ phụ huynh. Nhiều nơi có điều kiện kinh tế khó khăn hơn, mức tiền ăn đóng góp từ các gia đình rất thấp nên trường khó có thể lên các thực đơn đa dạng, phong phú, đủ chất và ngon miệng. Với thực trạng trên, những bữa ăn học đường có chất lượng dinh dưỡng thấp là điều không thể tránh khỏi.
“Dinh dưỡng cho trẻ lứa tuổi học đường, đặc biệt cho trẻ nhỏ trong những năm đầu đời được xem như là nền tảng quan trọng nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất lẫn tinh thần. Một chế độ dinh dưỡng không hợp lý hoặc không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe, ảnh hưởng tới sự phát triển tối ưu và thành tích học tập của trẻ”, TS. BS Lê Nguyễn Bảo Khanh nói.