Bữa ăn của người Việt: Thiếu cân bằng
Giảm gạo, tăng thịt, cá trứng sữa, thiếu rau. Đó là thực trạng tiêu thụ lương thực thực phẩm của người dân Việt Nam qua 4 cuộc điều tra do Viện Dinh dưỡng tiến hành 5 năm/lần kể từ năm 1985.
So với thời điểm cách đây 15 năm, bữa ăn của người Việt đã được cân đối theo chiều hướng tích cực với đa dạng thực phẩm.
Nếu như vào năm 1985, lượng gạo tiêu thụ là 425g/người/ngày, lượng khoai là 38,2g/người/ngày thì nay con số này đã giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 390g/người/ngày và 8,9g/người/ ngày.
Về thịt, mức tiêu thụ năm 2005 đã tăng hơn 4,6 lần năm 1985. Lượng cá tiêu thụ cũng gia tăng hơn 1,7 lần.
Đặc biệt, sự thay đổi về mức tiêu thụ trứng sữa là mạnh mẽ nhất. Năm 2005, người dân Việt Nam tiêu thụ các sản phẩm này với số lượng cao gấp 18 lần so với năm 1985, hơn 10 lần so với năm 1990 và gấp 3 lần so với năm 2000.
Trong các loại thực phẩm, diễn biến tiêu thụ rau tăng giảm thất thường hơn cả. Cách đây 16 năm, mỗi người dân tiêu thụ 214g rau mỗi ngày. Nhưng 5 năm sau, lượng tiêu thụ loại thực phẩm thiết yếu này đã giảm xuống còn 171g/người/ngày. Đến năm 2005, con số này lại tăng lên mức 203. So với nhu cầu dinh dưỡng cần thiết (khoảng 300g/người/ngày), người Việt Nam đã ăn thiếu rau.
Theo thống kê trong những năm gần đây, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ đã giảm đáng kể, nhưng tình trạng thiếu máu và vitamin A vẫn ở mức cao. Có tới một nửa trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi bị thiếu máu, 30% trẻ dưới 5 tuổi có hàm lượng vitamin A trong máu thấp. Tình trạng thiếu máu, thiếu vitamin A cũng xuất hiện ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai.
Trong những năm gần đây, các chuyên gia dinh dưỡng đã cảnh báo về tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ nhỏ. Thống kê cho thấy, tỷ lệ trẻ bị béo phì có chiều hướng gia tăng. Tại các quận nội thành Hà Nội, có 4,9% trẻ từ 4 đến 6 tuổi bị thừa cân, béo phì. Tỷ lệ này cũng gia tăng ở đối tượng người trưởng thành. Càng cao tuổi thì số người bị thừa cân, béo phì càng lớn. Tình trạng này xuất hiện ở cả nam lẫn nữ, cả nông thôn lẫn thành thị.
Tiểu đường cũng là một bệnh liên quan đến chế độ ăn uống. Hiện nay số người bị bệnh tiểu đường do ăn uống không hợp lý ngày càng tăng nhanh. Một phần là do thói quen ăn uống của người dân thay đổi chóng vánh, ngày càng nhiều người ăn đồ ăn nhanh và thức ăn không có lợi cho sức khỏe. Thức ăn được nấu ở các cửa hàng thường chứa nhiều calo hơn đồ chế biến tại gia.
TS Gauden Galea, cố vấn của Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương cho biết trong mười năm qua, ở Hà Nội, số người bị bệnh tiểu đường tăng gấp đôi. Tiểu đường thậm chí xông cả vào trẻ em. Nạn nhân trẻ nhất ở Việt Nam hiện mới 11 tuổi.
Bên cạnh đó là bệnh tim mạch ngày càng gia tăng. Bệnh này phát triển mạnh do ăn nhiều mỡ động vật làm tăng hàm lượng cholesterol trong máu, dễ bị xơ mỡ động mạch. Bệnh tim mạch phổ biến nhất ở Việt Nam là bệnh tăng huyết áp.
Năm 1960, một cuộc điều tra cho thấy tỷ lệ mắc tăng huyết áp là 1% trong nhân dân từ 16 tuổi trở lên, nghĩa là cứ 100 người lớn ở nước ta có 1 người tăng huyết áp. Năm 1989 Viện Tim mạch làm một cuộc điều tra trên 18 tỉnh trong toàn quốc thì thấy tỷ lệ tăng huyết áp tăng lên 10,52% nghĩa là gấp 10 lần so với 30 năm trước ! Gần đây nhất, cuộc điều tra của Viện Tim mạch tại khu vực Hà Nội năm 2000 cho thấy tỷ lệ tăng huyết áp ở người lớn là 16%.
Các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo, nếu không thay đổi cách ăn uống cũng như thay đổi thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn thì số người dân Việt Nam mắc các bệnh liên quan đến dinh dưỡng như: Tim mạch, tiểu đường, loãng xương... sẽ ngày một gia tăng.
Theo Hà Nội Mới