1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bỏng mặt - Điều trị và chăm sóc đúng cách

(Dân trí) - “Rất nhiều người vì không biết cách sơ cứu và chăm sóc vết bỏng đã khiến cho khuôn mặt của mình biến dạng hoặc để lại sẹo xấu!”, TS Nguyễn Viết Lượng (ảnh), Trưởng phòng tổng hợp Bệnh viện Bỏng Quốc cho biết.

TS cảnh bảo rằng vết bỏng mặt thường dễ nguy hiểm đến tính mạng?

 

Đúng vậy, bỏng ở mặt đặc biệt nguy hiểm khi bị bỏng sâu (độ 3 trở lên), bởi mặt là nơi tập trung rất nhiều mạch máu, các hang, hốc nhạy cảm chứa nhiều dây thần kinh. Có rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị bỏng nặng (sâu),  gây ra những biến dị, co kéo trên khuôn như: mắt có thể không mở hoặc nhắm được (gây khô rát giác mạc), mũi bị hở hoặc biến dạng (ảnh hưởng đến hô hấp), tai tổn thương hoặc bị cháy…

 

Đi kèm theo đó, nạn nhân bỏng mặt cũng thường bị bỏng đường hô hấp do hít hơi nóng sâu vào trong ruột. Nếu không có biện pháp cấp cứu đúng phần bị bỏng ở mặt thường bị hoại tử sâu và gây biến chứng (viêm, loét, phù nề) nặng hơn các phần khác, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của nạn nhân.

 

Khi bị bỏng ở mặt, điều đầu tiên là phải làm gì?

 

Dù bị bỏng do bất kỳ tác nhân nào: axít, tia lửa điện, hơi nóng, nước sôi… cũng phải ngay lập tức phải làm dịu vết thương thương (hạn chế bỏng sâu thêm) bằng cách dùng nước mát ngâm, xối ngay vào phần bị bỏng. Công đoạn này xử lý càng sớm, nhanh vết bỏng càng đỡ bị phù nề, biến dạng và ít để lại di chứng, thậm chí nhờ xối, ngâm nước lạnh kịp thời nhiều vết bỏng mặt có thể từ thể sâu chuyển sang nông. Trong trường hợp cần thiết nếu không có sẵn nước sạch vẫn có thể dùng nước hồ, ao, ruộng… làm mát vết thương bởi lúc này yếu tố nhiễm trùng chỉ là thứ yếu so với việc hạn chế độ sâu của vết bỏng. Rất nhiều trường hợp, người bị bỏng loay hoay tìm được nước sạch thì vết bỏng đã bị để quá lâu và nước mát, sạch không còn tác dụng nữa!

 

Số lượng bệnh nhân trong mấy năm gần đây đang có xu hướng gia tăng. Cụ thể chỉ trong 6 tháng đầu năm 2007, Viện đã tiếp nhận gần 25.000 ca bỏng từ khắp nơi chuyển đến. Trong đó, có tới 30% số nạn nhân bị bỏng ở phần mặt, chiếm tỷ lệ không nhỏ trong số đó là chị em phụ nữ bị bỏng nặng do tạt axít. Đây là những trường hợp hết sức thương tâm và phải điều trị rất khó khăn. Ngoài ra, các tác nhân gây bỏng ở mặt thường gặp là: axít, tia lửa điện, hơi nóng, nước sôi…

Nếu được điều trị đúng cách, khả năng phục hồi về mặt thẩm mỹ đạt bao nhiêu?

 

Với những trường hợp nặng (bỏng sâu) gây biến dạng mặt, cần phải trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật, tạo hình thì mới có thể khắc phục được 70% - 80% hình dạng của khuôn mặt ban đầu. Với những vết bỏng nhẹ hơn mà được điều trị đúng cách thì khả năng phục hồi về mặt thẩm mỹ gần như hoàn toàn. Hiện nay, phương pháp đắp mặt nạ trị bỏng (gel silicol) chống sẹo sau điều trị bỏng tỏ ra đặc biệt hiệu quả về mặt thẩm mỹ, nhất là đối với chị em phụ nữ.

 

Giá thành của sản phẩm này thế nào thưa TS?

 

Đây là sản phẩm ngoại nhập nên giá thành vẫn khá cao. Khoảng 500 - 600 nghìn đồng/miếng đắp (diện tích 20cm).

 

Một phương pháp chống sẹo trên mặt khi bị bỏng nhẹ được khá nhiều người áp dụng, đó là dùng nghệ tươi đắp lên khi vết thương mới lên da non. Cách này có hiệu quả?

 

Nghệ tươi giúp vết sẹo chóng liền nhưng bôi quá sớm, tức là khi da non mới mọc lại khiến cho vùng da trở lên đen bóng hoặc sẫm mầu so với các vùng da khác. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thống kê thấy số người bị kích ứng da do bôi nghệ tươi khá lớn. Chính vì vậy, các bác sĩ thuờng khuyến cáo người bị bỏng không nên dùng nghệ tươi đắp lên vết thương đang lên da non, đặc biệt là trên vùng mặt.

 

Khi bị bỏng nói chung và bỏng ở vùng mặt nói riêng có cần áp dụng chế độ ăn uống kiêng khem?

 

Hoàn toàn không. Cần ăn uống đầy đủ các món thịt, trứng, tôm, cua, rau, đậu... để đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể. Có nhiều người cho rằng ăn trứng gà trong thời kỳ da non phát triển sẽ khiến phần da này bị loang. Sự thật là vết loang trên da là do cơ địa của mỗi người chứ không phải tại trứng. Cũng chưa có nghiên cứu nào chứng minh ăn rau muống làm vết sẹo lồi lên. Tuy nhiên, nếu người bị bỏng thường xuyên sử dụng rau má thì rất có lợi cho da lại giúp thanh nhiệt, giải độc.

 

Người bị bỏng ở mặt đang trong quá trình phục hồi có được dùng mỹ phẩm, sữa rửa mặt và đi ra ngoài trời?

 

Nên dùng các loại kem làm mềm da nhưng phải có chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, cần thiết phải giữ mặt luôn sạch sẽ bằng nước sạch chứ không nên dùng sữa rửa mặt sớm. Người bị bỏng ở mặt trong thời kỳ phục hồi nên hết sức tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp nên da bởi những tia cực tím sẽ làm da non bị ảnh hưởng.

 

Phạm Thanh (thực hiện)