Bong gân và cách xử trí

(Dân trí) - Trong các hoạt động hàng ngày, bong gân là một chấn thương thường hay xảy ra sau một động tác quá mạnh nhưng không gây nên trật khớp hoặc gãy xương. Khi bị bong gân, cần xử trí đúng để chóng bình phục và tránh những hậu quả đáng tiếc.

 

Bong gân và cách xử trí - 1


 

Bong gân là sự tổn thương của bao khớp, phổ biến là các dây chằng, thường xảy ra sau một động tác quá mạnh nhưng không gây ra trật khớp hoặc gẫy xương. Chấn thương này hay gặp ở những người trẻ tuổi, nhất là những người chơi thể thao.

 

Những khớp xương thường bị chấn thương bong gân là cổ chân, đầu gối, bàn chân, cổ tay... Về nguyên tác xử trí bong gân cũng tương tự như gãy xương, nhưng chỉ khác về thời gian bất động ngắn hơn, trung bình khoảng từ 3 đến 4 tuần.

 

Cách xử trí bong gân cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau đây:

 

- Phải giữ cho khớp không cử động bằng cách bọc khớp hay băng ép với băng cuộn hay vải, nếu có băng thun thì càng tốt để làm chỗ tựa cho khớp và giữ cho khớp không cử động. Những trường hợp nặng, phải đặt nẹp bột bất động khớp trong tư thế cơ năng.

 

- Để làm giảm đau và giảm sưng, có thể sử dụng ethyl chlorua có tác dụng giảm đau và giảm sưng tại chỗ, thường được áp dụng ngay trên sân bãi thi đấu cho vận động viên bị chấn thương bong gân do chơi thể thao.

 

Nếu có điều kiện, tiêm novocaine 1% vào chỗ dây chằng bị đau với liều lượng khoảng 15ml cho cổ tay, 20ml cho cổ chân, 30 đến 40ml cho đầu gối.

 

Trong những ngày đầu, chườm nước đá hoặc nước lạnh lên khớp bị đau. Từ ngày thứ hai trở đi, ngâm chỗ bị bong gân trong nước ấm nhiều lần trong ngày.

 

Cần kê chỗ bị chấn thương bong gân lên cao trong khi nằm ngủ. Nên tập cử động nhẹ nhàng sớm để máu lưu thông, tránh rối loạn dinh dưỡng.

 

Một vấn đề cần chú ý để khỏi mắc sai lầm trong việc xử trí chấn thương bong gân là đừng bao giờ chà xát mạnh chỗ bị bong gân và đừng băng quá chặt. Nếu băng quá chặt có thể gây đau tức, các ngón tay, ngón chân sẽ bị tím lại; vì vậy phải nới bớt băng ép ra.

 

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh