1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bỗng dưng bị thủng ruột!

Ngoài phần lớn ca nuốt xương, dị vật do vô ý còn có trường hợp do ăn quá nhanh, người lớn tuổi, say rượu và người mắc bệnh tâm thần

Ngày càng có nhiều trường hợp thủng ruột mà không hay biết. Đáng nói là tai nạn này thường gặp ở người trẻ tuổi và xảy ra dồn dập thời gian gần đây.

Những vô ý chết người

Mới đây, anh H.T (25 tuổi, ngụ TP HCM) bỗng phải nhập viện vì sốt kèm đau bụng. Tại Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 (TP HCM) anh được chẩn đoán viêm ruột thừa cấp và được chỉ định cắt ruột thừa. Tuy nhiên, sau khi đặt ống soi quan sát khoang bụng, bác sĩ (BS) thấy ở thành ruột có một tổ chức mô hạt sùi lên, ở giữa nhô ra một dị vật. BS phẫu thuật đã gắp ra dị vật là một mẩu xương cá dài khoảng 3 cm.

Anh V.M.C được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (TP HCM) cứu kịp sau tai nạn nhớ đời
Anh V.M.C được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (TP HCM) cứu kịp sau tai nạn nhớ đời

Anh V.M.C (22 tuổi, ngụ TP HCM) cũng phải trải qua cuộc phẫu thuật vì nuốt một miếng xương nhỏ. Trước đó, đang đi làm nhưng anh phải xin nghỉ bệnh để đi khám gấp vì đau bụng âm ỉ. Siêu âm bụng khá kỹ, các BS chưa phát hiện gì bất thường. Hai ngày sau, anh C. đau bụng dữ dội hơn, kèm sốt. Lúc này BS mới phát hiện ổ bụng anh bị viêm phúc mạc, dịch ruột tràn ra bụng, kèm theo một dị vật đang gây tổn thương thành ruột. Sau khi phẫu thuật nội soi, các BS đã rút ra được dị vật là đoạn xương dài 4 cm có đầu nhọn, đã xuyên thủng hoàn toàn đại tràng chậu. Thoát nạn, anh mới sực nhớ là trước đó vài ngày đã ăn món ếch và nuốt luôn đoạn xương lúc nào không hay.

Có những tai nạn rất khó phát hiện vì đoạn xương bị lấp khuất và "trốn kỹ" nên siêu âm cũng không thể phát hiện. Với biểu hiện không rõ ràng ban đầu, thầy thuốc không loại trừ chỉ định theo dõi kỹ về ngộ độc thức ăn, viêm ruột, đau ruột thừa, thận…

Theo ThS-BS Trần Thanh Hiền, Khoa Ngoại tổng quát BV Nhân dân 115, xương cá là dị vật thường gặp nhất của ống tiêu hóa. Kiểu mắc kẹt "ngang xương" có thể gây ra những biến chứng trầm trọng, thậm chí có thể tử vong. "Ngoài gây thủng các mạch máu lớn lân cận như động - tĩnh mạch cảnh, động mạch chủ ngực, tĩnh mạch chủ bụng, các biến chứng về mạch máu do dị vật này gây hậu quả rất nặng nề và tỉ lệ tử vong rất cao" - BS Hiền khuyến cáo.

Thủng do… thói quen

Theo các chuyên gia y tế, ngoài những tai nạn thủng ruột do bất cẩn thì việc sinh hoạt, làm việc, ăn uống thất thường cũng dẫn đến thủng ruột. Điển hình là trường hợp của em V.C.S (13 tuổi, ngụ TP HCM). S. vào viện trong tình trạng đau bụng cấp dù trước đó không hề mắc các bệnh liên quan đến dạ dày. Song, sau khi thăm khám kỹ, các BS chẩn đoán em bị thủng tạng rỗng (có thể là ruột hoặc dạ dày). Qua nội soi thăm dò, BS xác định em bị thủng dạ dày nên vá lỗ thủng, cứu được bệnh nhi.

BS Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV quận 9 (TP HCM), phân tích thủ phạm hàng đầu dẫn đến trường hợp thủng dạ dày trên là vi khuẩn HP. Do lượng axít dư quá nhiều và kéo dài gây ra. Bình thường, niêm mạc dạ dày tiếp nhận axít trong dịch vị (để tiêu hóa thức ăn) với một lớp nhầy phủ lên bề mặt được xem là yếu tố bảo vệ (giúp cân bằng lượng axít dư thừa). Trong trường hợp mất cân bằng do lượng axít quá nhiều hay chất nhầy trong niêm mạc không đủ, dạ dày sẽ bị viêm. Tình trạng này kéo dài dẫn đến tình huống thủng dạ dày.

"Vấn đề dư axít thường xuyên và kéo dài bắt nguồn từ việc sinh hoạt, ăn uống thất thường, không điều độ. Khi đó, lượng axít thừa (cơ thể tiết ra do nhịp sinh học) sẽ công phá niêm mạc dạ dày. Vì vậy, những người ăn uống thất thường, lại lao vào làm việc ngay sau bữa ăn có nguy cơ hỏng dạ dày" - BS Quang cảnh báo.

Ngoài đa số trường hợp nuốt xương là vô ý, những người ăn quá nhanh, người lớn tuổi, say rượu hay người mắc bệnh tâm thần… cũng có thể bị thủng ruột do nuốt dị vật. Vì vậy, cách phòng ngừa tốt nhất là duy trì điều độ trong sinh hoạt, ăn uống và quan trọng nhất là phải cẩn thận khi ăn. Khi phát hiện dị vật, cần phải đến ngay các cơ sở y tế, đặc biệt là các trung tâm, can thiệp qua nội soi để được xử trí kịp thời. Tuyệt đối không nên chữa bằng thuốc nam hoặc bằng mẹo vì không khỏi mà để muộn có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Ai dễ bị thủng ruột?

Những đối tượng có nguy cơ cao là: Trẻ em hay có thói quen ngậm, mút các đồ vật trong khi chơi; người đeo răng giả; người cao tuổi, người mắc bệnh tâm thần; người có thói quen ăn uống không cẩn thận (ăn nhanh, nuốt vội…); người có bệnh lý ở dạ dày - tá tràng: hẹp môn vị; làm ứ đọng thức ăn trong dạ dày, tá tràng...

Theo Nguyễn Thạnh

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm