Bơm nước sông làm… nước tinh khiết

Không ít các cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết đóng chai tự quảng cáo là nước khoáng thiên nhiên được sản xuất theo công nghệ tiên tiến nhất. Nhưng thực chất chỉ là nước giếng khoan, nước máy, thậm chí nước sông được lọc bằng than hay sỏi...

Đầu hè nước tinh khiết đóng bình, đóng chai làm "náo loạn" thị trường. Đi trên đường phố Hà Nội những ngày này thường xuyên gặp các loại xe vận chuyển các bình nước tinh khiết đi đưa cho các đại lý, cửa hàng kinh doanh...

 

Nhập nhèm thị trường

 

Qua khảo sát của chúng tôi tại nhiều cửa hàng kinh doanh loại bình nước lọc này, có đến vài chục mẫu mã của các hãng và cơ sở sản xuất khác nhau, thậm chí có nhiều mẫu mã gần giống nhau hoặc chỉ khác nhau một vài nét chữ.

 

Từ các nhãn hiệu quen thuộc như Aquafina, Laska, Sapuwa, Favor… đến những loại có cái tên na ná hoặc rất lạ như Nasa, Panona, Amswa, Icewa, Aliwa, Miru, Valentine…  

 

Các hộ gia đình, các trường học, các cơ quan đều mua nước lọc đóng bình... Giá bán lẻ của các loại bình nước này dao động trong khoảng 15.000 - 20.000 đồng/bình (loại 20 lít), không tính vỏ bình…

 

Qua tìm hiểu thêm, hầu hết các cửa hàng bán bình nước lọc tinh khiết tại Hà Nội hiện nay đều lấy nguồn hàng từ các cơ sở sản xuất tư nhân, cách làm rất thủ công.

 

Bà Hồng, kinh doanh nước lọc đóng bình tại thị trấn Cầu Diễn (Từ Liêm) cho biết: “Hè nào tôi cũng bán loại nước tinh khiết này nhưng cứ điện thoại là họ đem đến thôi chứ có biết cơ sở sản xuất ở đâu. Còn hỏi chất lượng có đảm bảo không thì nhân viên đưa hàng cam kết “mồm” là đảm bảo 100% nên cũng rất yên tâm...”.

 

Trên thị trường có rất nhiều bình nước tinh khiết không hề ghi rõ các thông số tiêu chuẩn trên nhãn mác như ngày sản xuất, địa chỉ cụ thể của cơ sở sản xuất, hay những lời quảng cáo rất chung chung như: “Nước uống tinh khiết được khai thác từ nguồn nước ngầm và được sản xuất theo công nghệ hiện đại...”.

 

Hầu hết các cơ sở nước uống tinh khiết quảng cáo nước được lấy từ nguồn nước có chất lượng; xử lý qua hệ thống thẩm thấu ngược R.O, khử trùng bằng ozone,… cùng hàng loạt các tên gọi hấp dẫn "ta, tây" đủ loại, nhưng sự thật lại trái ngược, nhiều cơ sở sản xuất nước đóng chai đã làm nước thiếu vệ sinh, nguồn nước không đảm bảo… thậm chí có cơ sở lấy nước từ sông lên lọc để đóng chai.

 

“Công nghệ” bơm nước sông… lọc nước tinh khiết

 

Mục sở thị cơ sở làm "nước đóng chai tinh khiết" có nhãn hiệu Asona nằm trên đường Xuân Phương (Từ Liêm). Từ ngoài ngõ đi vào, chai để la liệt cái nằm, cái đứng trên nền đất ẩm thấp, lênh láng nước bẩn. Các thùng, đồ đựng chứa nước tinh khiết cáu bẩn, chứng tỏ không cọ rửa nhiều ngày...

 

Bên cạnh đó, công nghệ đóng chai ở cơ sở này bằng “công nghệ bẩn”, những chiếc chai nhựa không biết đựng gì (có thể là xăng dầu, hoá chất…), chủ cơ sở chỉ rửa qua bằng nước lã rồi dán nhãn mác lấy tên là Asona – “nước tinh khiết, chất lượng cao”, rồi đổ nước lọc vào bán cho khách hàng.

 

Vào tận nơi chúng kiến công nghệ làm nước tinh khiết chúng tôi không khỏi “giật mình”, mùi “hương lạ” bốc lên khó chịu… Đó là gian buồng cạnh khu vệ sinh rộng chừng 15m2 mặt bằng nhà xưởng đều sập xệ, bình đựng nước để lung tung, có nơi bình chưa đựng nước được vứt chỏng trơ dưới đất. Máy móc để sản xuất nước thì có nhưng máy móc để xúc rửa bình thì chẳng thấy đâu, đa số được rửa bằng phương pháp thủ công…

 

Bơm nước sông làm… nước tinh khiết   - 1
 

Vỏ chai nước tinh khiết khi chưa dán nhãn...

 

Ngay trong gian buồng lọc nước quần áo bẩn treo đầy, bên cạnh khu đóng chai nước tinh khiết dang dở là khu vệ sinh ô nhiễm, bốc mùi khó chịu, ruồi muỗi bay xung quanh… Nhìn ra đằng sau khu lọc nước, chúng tôi thật kinh hoàng khi có 2 chiếc vòi bắt xuống dưới lòng sông, rồi bơm lên bình lọc, chảy vào khu bể chứa để xử lý làm nước… đóng chai.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Châm, cán bộ TT Y tế dự phòng TP Hà Nội thì quy trình rửa chai để đóng nước tinh khiết phải ngâm sút (KOH) mất 3 ngày, sau đó cho vào máy mô tơ cọ rửa sạch sẽ, rồi súc rửa 3 lần nước nữa mới gọi là tạm đạt tiêu chuẩn… Nhưng hiện nay, các cơ sở đều bỏ qua công đoạn này. Từng chai nước được lật úp đổ nước thừa còn lại sau khi súc, lau chùi ra, rồi cho miệng chai vào vòi, vặn cho nước "tinh khiết" vào chai và rồi vặn nắp cho chặt, bê ra phòng bên cạnh dán nhãn, dán ni lông bao quanh.  

 

Bơm nước sông làm… nước tinh khiết   - 2
 

Gắn mác rồi đổ nước sông đã lọc vào...

Khâu lau chùi chai còn kinh khiếp hơn, chai được cho nước vào súc qua loa, có chai bẩn hơn nhưng người ta chỉ dùng một cái que có quấn quanh miếng vải lau chùi, rồi súc qua loa bằng nước máy.

 

Bơm nước sông làm… nước tinh khiết   - 3
 

Thêm nhãn niêm phong là thành nước "xịn".

 

Kết quả của TT Y tế dự phòng TP. Hà Nội cho thấy, trong các chỉ số về chất lượng nước như Coliform, Ecoli, độ PH... thì tìm thấy vi khuẩn Ecoli có trong mẫu nước tinh khiết của nhiều cơ sở tư nhân đi xét nghiệm vượt ngưỡng cho phép.

 

Theo số liệu của Trung tâm này, trên địa bàn hiện có 147 cơ sở chuyên kinh doanh và sản xuất nước đóng chai. Và việc mở cơ sở sản xuất kinh doanh nước tinh khiết đóng chai quả thật quá đơn giản. Chỉ cần lấy mẫu nước của cơ sở nộp cho cơ quan Y tế dự phòng kiểm tra, xét nghiệm mẫu nước, nồng độ PH... vậy là xong? Sau khi cơ quan y tế dự phòng cấp giấy chứng nhận, chủ cơ sở đăng ký xin giấy phép hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay sau đó.

 

Không ít các cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết đóng chai tự quảng cáo, giới thiệu sản phẩm của mình là nước khoáng thiên nhiên, nước uống thiên nhiên tinh khiết hoặc nước khoáng vừa thiên nhiên vừa tinh khiết, được sản xuất theo công nghệ tiên tiến nhất. Nhưng thực chất chỉ là nước giếng khoan, nước máy được lọc bằng than hay sỏi rồi đóng vào bình PET. Thậm chí có nơi lấy nước sông, đóng chai ngay cạnh nhà vệ sinh... thì có trời mà biết!?

 

Ông Châm còn cho biết, thiết bị công nghệ RO (màng lọc thẩm thấu ngược) đạt tiêu chuẩn để sản xuất nước uống đóng chai phải nhập khẩu và có giá rất cao (khoảng 1 tỷ đồng).

 

Chính vì đắt đỏ vậy mà đa số các cơ sở nhỏ lẻ không đủ kinh phí đầu tư, nên họ lọc nước bằng than hay sỏi rồi đưa qua hệ thống máy UV (loại máy dùng tia cực tím tạo ozone khử trùng) rồi đóng chai đem bán... cho người tiêu dùng. Như vậy sẽ rất nguy hiểm, vì nguồn nước họ lấy nếu còn sắt, mangan, thạch tín… thì người tiêu dùng chỉ có cách “lãnh đủ”.

 

Sự nhập nhằng từ nước lọc đóng chai biến thành nước khoáng thiên nhiên mang lại lợi nhuận rất lớn cho nhà sản xuất. Sở Y tế TP cũng chỉ khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng những sản phẩm nước uống tinh khiết đóng bình không có nhãn mác trên thị trường...

 

Theo H.Nguyên

VTC