1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bội chi quỹ BHYT: Bệnh viện mệt, bệnh nhân thiệt!

Dù năm 2012 chỉ mới qua một nửa, nhưng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) TPHCM đang báo động mất cân đối, thậm chí có nguy cơ vỡ quỹ vào cuối năm. Trong khi cơ quan chức năng có biện pháp chấn chỉnh thì một số bệnh viện đã ráo riết siết... bệnh nhân!

  

Bội chi quỹ BHYT: Bệnh viện mệt, bệnh nhân thiệt!

Do quỹ BHYT bị bội chi nên nhiều bệnh viện phải cắt giảm thuốc hoặc thay thế thuốc rẻ tiền cho người bệnh BHYT. Ảnh: Thanh Hảo

 

Bội chi 20 tỉ đồng trong ba tháng!

 

Kể từ đầu tháng đến nay, gần như ngày nào tại khu nhận thuốc BHYT của bệnh viện cấp cứu Trưng Vương cũng xảy ra tình trạng bệnh nhân phàn nàn, thậm chí to tiếng về chuyện bị bác sĩ cắt giảm số ngày điều trị, lượng thuốc và thay thế thuốc đắt tiền thành rẻ tiền khi đi khám bệnh. Ngày 6.7, trong khi ngồi chờ lãnh thuốc, bác S., 62 tuổi, cán bộ hưu trí ở quận 10, TPHCM, cho biết nếu những tháng trước đây mỗi lần định kỳ đi khám thấp khớp và tăng huyết áp được bác sĩ kê toa 14 ngày thì lần này chỉ còn chín ngày, chưa kể toa chỉ còn bốn loại thuốc chứ không phải sáu như trước.

 

Bệnh nhân C., 58 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình, chữa tiểu đường và hen phế quản nhiều năm nay ở bệnh viện này lại than phiền bị bác sĩ thay nhiều loại thuốc quen bằng thuốc lạ. Ông nói: “Tôi không rành thuốc men, nhưng khi kêu bác sĩ kê thuốc cũ thì bác sĩ nói lần này phải chuyển sang thuốc khác bởi quỹ BHYT đang bị siết lại. Tôi nghĩ đây là những thứ thuốc rẻ tiền”. Không phổ biến như bệnh viện Trưng Vương, nhưng tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới, một số bệnh nhân cũng thắc mắc, phàn nàn với ban giám đốc khi số ngày điều trị bị cắt giảm, thuốc lãnh không còn nhiều như trước đây.

 

Theo PGS.TS Nguyễn Công Minh, PGĐ bệnh viện cấp cứu Trưng Vương, những gì bệnh nhân phản ánh là có thật, nhưng đó là giải pháp chẳng đặng đừng của bệnh viện vì thực tế quỹ khám chữa bệnh BHYT ở đây đã bội chi đến mức báo động đỏ. Ông nói: “Cả năm 2011 quỹ Khám chữa bệnh BHYT của bệnh viện bội chi 22 tỉ đồng và con số này vẫn còn chờ bảo hiểm xã hội (BHXH) quyết toán. Thế nhưng chỉ trong ba tháng đầu năm, quỹ BHYT bội chi đến gần 20 tỉ đồng. Đây quả là điều đáng báo động và BHXH đã tuýt còi đề nghị chúng tôi phải xem lại mọi chuyện”.

 

Với bệnh viện Bệnh nhiệt đới, tình hình cũng tương tự. Năm qua, quỹ BHYT của bệnh viện này bội chi 15 tỉ đồng và vẫn chờ BHXH TPHCM thanh toán. Thế nhưng vào giữa tháng qua, BHXH đã có công văn nhắc nhở bệnh viện phải chấn chỉnh khi chi phí bình quân một lần khám ngoại trú ở đây trong quý 1/2012 đã tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước và chi phí bình quân một đợt điều trị nội trú tăng đến… 65,3%!

 

Bội chi từ nhóm tự nguyện

 

Theo phân tích của bệnh viện Trưng Vương, so với quý 1/2011, số thẻ BHYT tại bệnh viện trong quý 1/2012 đã tăng thêm 22.000 thẻ, từ 71.498 lên 93.767, nhưng trong khi số thẻ của nhóm bắt buộc giảm 18% thì nhóm tự nguyện lại tăng cùng tỷ lệ này. Theo PGS.TS Nguyễn Công Minh, điều bất hợp lý ở đây là trong khi nhóm tự nguyện chỉ đóng góp 13% quỹ khám chữa bệnh thì đối tượng này lại sử dụng đến 64% tổng chi, dẫn đến bội chi 18,7 tỉ đồng.

 

Ngoài bội chi ở nhóm này, bội chi còn xảy ra do việc chữa trị đa tuyến (1,5 tỉ đồng), chi phí điều trị tăng cao (bình quân một toa thuốc/lượt của quý 1/2012 tăng cao hơn cùng kỳ năm 2011 là 130.000 đồng/toa). Để giải quyết bội chi quỹ BHYT, từ ngày 1/7/2012, bệnh viện đã thực hiện một số biện pháp như xây dựng phác đồ điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính, xây dựng mức trần giá tiền đơn thuốc.

 

Chưa phân tích cụ thể, nhưng theo một thành viên ban giám đốc của bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, bội chi khám chữa bệnh BHYT là do chi phí điều trị tăng cao kể từ khi bộ Y tế ban hành thông tư 31/2011 hướng dẫn thực hiện danh mục thuốc được BHYT thanh toán và mở rộng bổ sung nhiều loại thuốc đắt tiền. Điều này cũng trùng khớp với nhận định của bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền, phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, theo đó, chi phí khám chữa bệnh BHYT trong quý 1/2012 của TP.HCM đột biến gia tăng, do nhiều nguyên nhân gây ra trong đó có “tác động” của thông tư 31. Theo bà Huyền, trước mắt, BHXH đang đề nghị các bệnh viện cân đối hợp lý chi phí và hiệu quả điều trị, cắt bỏ những lãng phí, chẳng hạn không sử dụng thuốc không cần thiết để tập trung quỹ mua thuốc cần thiết lo cho bệnh nhân.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng lãng phí trong kê toa thuốc BHYT của bác sĩ cho bệnh nhân còn khá phổ biến. Vừa qua, BHXH TPHCM có công văn nhắc các bệnh viện rút kinh nghiệm kê đơn và giảm tỷ lệ sử dụng năm loại thuốc là Glutathion tiêm, Glucosamine uống, Gingkobiloba uống, Arginin uống và L-Ornithin-L-Aspartat tiêm vì chúng chỉ có tính hỗ trợ. Tại bệnh viện Trưng Vương, vừa qua một bác sĩ kê thuốc BHYT cho một bệnh nhân bị cao huyết áp kèm đau cổ trong đó thuốc giảm đau chiếm đến một nửa giá trị toa thuốc. Hậu quả là bệnh nhân bị thiệt thòi vì thuốc cần thiết bị cắt giảm nhiều.

 

Bác sĩ Huyền ủng hộ cách làm của bệnh viện Trưng Vương trong việc cắt giảm bội chi quỹ BHYT. Bà nói: “Những gì không cần thiết phải được cắt giảm để tập trung vào chuyện cần thiết. Đơn cử là thói quen kê toa thuốc giá cao, kê nhiều loại thuốc của bác sĩ cần phải xem lại. Nếu thuốc cùng chủng loại, cùng tác dụng và hiệu quả như nhau thì bác sĩ nên ưu tiên kê thuốc có giá hợp lý. Bên cạnh đó, cũng đừng nghĩ là phải kê 10 - 15 loại thuốc/toa mới là điều trị tốt. Thuốc là con dao hai lưỡi, sử dụng nhiều chưa chắc tốt, chưa kể dùng nhiều thứ còn có nguy cơ tương tác lẫn nhau. Chúng tôi khẳng định BHXH chỉ đề nghị các bệnh viện cắt giảm lãng phí chứ không phải giảm quyền lợi của bệnh nhân”.

 

Bà Huyền khẳng định, sắp tới sẽ làm việc lại với các bệnh viện liên quan để xem xét các biện pháp do bệnh viện đặt ra, không để các biện pháp này làm thiệt thòi quyền lợi của bệnh nhân.

 

Theo Phan Sơn

Sài Gòn tiếp thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm