Bộ Y tế thông tin kiểm soát 4 ổ dịch Covid-19 trên cả nước
(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai đang được kiểm soát. TP HCM tập trung cách ly tất cả những người tiếp xúc trực tiếp với những người ở quán Buddha.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 27/3, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết hiện có một số ổ dịch được quan tâm là ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ổ dịch quán Bar Buddha (TP HCM), ổ dịch từ bệnh nhân 100 (tại quận 8, TP HCM) và ổ dịch liên quan đến bệnh nhân 34 (Phan Thiết, Bình Thuận).
Theo thứ trưởng Long, về cơ bản các ổ dịch đang được kiểm soát. Ổ dịch tại quận 8 và tại Bình Thuận đang được các lực lượng chức năng khoanh vùng, cách ly và kiểm tra y tế với hàng trăm hộ dân, tiếp tục rà soát, sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm.
Với ổ dịch quán Buddha Bar, theo Thứ trưởng Long không phải từ một nguồn lây nhiễm, mà có thể có nhiều hơn. Từ ổ dịch này đã lan tỏa ra TP HCM và nguy cơ lây nhiễm ở khu vực này rất lớn. Đã có 153 người tiếp xúc trực tiếp với những người ở khu vực quán bar này. TP HCM đã tập trung hết sức lực lượng để cách ly tất cả các đối tượng này. Ổ dịch này có thể diễn biến phức tạp hơn.
Đối với ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai hiện đã thực hiện cách ly toàn diện 3 đơn vị (Viện Tim mạch, Khoa thần kinh, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới).
Trước đó, ổ dịch tại phố Trúc Bạch (Hà Nội) đã được khoanh lại toàn bộ và được xử lý thành công, không có phát sinh thêm ca mới.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, dịch Covid-19 có nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng. Vừa qua đã ghi nhận một số chùm ca bệnh như bệnh nhân 17 lây cho 3 người, bệnh nhân 34 ở Bình Thuận lây 9 người, mới nhất tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân 133 chưa tìm được nguồn lây…
Tại TP HCM có bệnh nhân thứ 100 đã đi lễ nhà thờ đến 60 lần sau khi tham dự lễ hội tôn giáo ở Malaysia trở về. Tại quán bar Buddha ở TP.HCM đã xác định 13 người nhiễm Covid-19.
Tại những nơi đông người như quán bar, một người nhiễm bệnh hắt hơi, ho có nguy cơ lây bệnh cho nhiều người khác. Môi trường càng kín, tần suất vệ sinh thấp, càng tiếp xúc gần thì khả năng lây nhiễm càng mạnh, PGS Phu phân tích.
“Đây là thời điểm người dân cần có ý thức tự bảo vệ bản thân và gia đình. Việc quan trọng nhất lúc này là cần giãn cách xã hội để hạn chế dịch lây lan. Khi phát hiện được ca nhiễm, địa phương sẽ cách ly, quây gọn để dập dịch triệt để”, PGS Phu nói.
Theo chuyên gia, khi dịch ở cộng đồng, sẽ rất khó xác định ai là F0, ai là F1 nên việc cách ly chủ động, hạn chế giao tiếp xã hội sẽ giúp những người mắc bệnh hạn chế lây nhiễm cho những người khác.
Đến tối 27/3, Việt Nam ghi nhận 163 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó riêng tại ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, ghi nhận 2 ca bệnh (86, 87) là điều dưỡng, 2 ca bệnh là bệnh nhân nằm điều trị cùng phòng tại khoa Thần Kinh (bệnh nhân 133 và 161). Ngoài ra, con dâu và cháu gái vào chăm bệnh nhân 161, con gái của bệnh nhân 86 cũng mắc Covid-19.
Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Phúc vừa ký chỉ thị yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người từ 00 giờ ngày 28/3 đến hết 15/4/2020.
Theo đó, dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.
Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.
Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác.
Hà An