Bộ Y tế quy định như thế nào về nồng độ cồn trong máu?

Nam Phương

(Dân trí) - Những ngày gần đây, quy định về nồng độ cồn trong máu lại gây xôn xao dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng đang có sự "vênh" giữa quy định của Bộ Y tế và mức phạt quy định nồng độ cồn khi lái xe.

Cụ thể, mức phạt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe được quy định tại nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định với ngưỡng nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, người điều khiển phương tiện đã bị phạt. 

Trong khi đó, quyết định số 320/QĐ-BYT ngày 23/1/2014 cũng có quy định về định lượng ethanol (định lượng nồng độ cồn) trong máu tại mục 60. Đây là quyết định về việc ban hành tài liệu Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Hóa sinh. 

Tại mục nhận định kết quả có ghi:

- Trị số bình thường: <10.9 mmol/l.

- Ethanol 10.9-21.7 mmol/l: Biểu hiện đỏ mặt, nôn mửa, phản xạ chậm chạp, giảm nhạy bén.

- 21.7 mmol/l: Biểu hiện ức chế thần kinh trung ương.

- 86.8 mmol/l: Có thể gây nguy hại cho tính mạng.

Bộ Y tế quy định như thế nào về nồng độ cồn trong máu? - 1

Pháp luật quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (Ảnh minh họa: Đỗ Quân).

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết nội dung trên là sự phân loại các mức/ngưỡng nồng độ cồn tương ứng với mức độ biểu hiện ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng theo chuyên môn y tế. Mức <10.9 mmol/l biểu thị kết quả có nồng độ cồn trong máu nhưng ở mức nhỏ hơn 10.9 mmol/l (tương đương 50 mg/100 ml máu). Mức này không đồng nghĩa với cách hiểu "cho phép trong máu có cồn dưới 0,5023 mg/ml máu" hay "coi đó là cồn tự nhiên trong cơ thể".

Theo bà, trường hợp lái xe có trị số nồng độ cồn trong máu nhỏ hơn 10.9 mmol/l là có nồng độ cồn trong máu và áp dụng theo quy định tại luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và nghị định số 100/2019/NĐ-CP để xem xét, giải quyết.

Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật không có quy định về cồn tự nhiên trong cơ thể.

Trong một số sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là những loại có nhiều đường như nho, sầu riêng, chuối, trái cây lên men, siro cảm cúm... có thể để lại nồng độ cồn trong cơ thể. Tuy nhiên lượng cồn này rất nhỏ, không còn đáng kể trong máu để đến mức khi kiểm tra hơi thở có cồn.

Đa số khi kiểm tra là không có nồng độ cồn, rất ít trường hợp phát hiện nồng độ cồn trong hơi thở. Những trường hợp này do cơ địa, bệnh tật vì bản chất hoa quả lên men thì phân rã rất nhanh. Đối với các trường hợp này, sau khi ăn xong thực phẩm sẽ chuyển hóa trong cơ thể và không còn nồng độ cồn.

Qua kiểm tra, cảnh sát giao thông có thể phân biệt được ai là người có nồng độ cồn do rượu bia, ai là người có nồng độ cồn do thực phẩm. 

Bên cạnh đó, theo luật Xử lý vi phạm hành chính, công dân có quyền phản hồi, giải thích, thắc mắc với cảnh sát giao thông và đề nghị cảnh sát giao thông ngồi lại 10-15 để đo nồng độ cồn trong khí thở hoặc có thể đề nghị đo nồng độ cồn trong máu. Trong những trường hợp như vậy sẽ bị không xử phạt vi phạm hành chính.

Bà Trang cho biết hiện nay tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh. Những ảnh hưởng bất lợi của sử dụng rượu, bia đối với sức khỏe, kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng. Đặc biệt rượu, bia là 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15-49. Tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia ước tính chiếm 36,2% ở nam giới và 0,7% ở nữ giới. 

Cũng vì thế, Quốc hội đã quyết định quy định cấm "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Việc điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở là vi phạm quy định tại luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và nghị định số 100/2019/NĐ-CP.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ, rượu bia là chất làm giảm chức năng của não, làm suy giảm khả năng tư duy, suy luận và phối hợp cơ bắp. Tất cả những khả năng này là cần thiết để vận hành phương tiện giao thông một cách an toàn.

Nồng độ cồn trong hơi thở ở mức trên 0,02% là không an toàn vì bạn bị mất khả năng phán đoán và suy giảm chức năng thị giác. Điều đó có nghĩa người đó có trên 20 miligam rượu trong 100 mililít máu. Tuy nhiên, ngay cả một lượng nhỏ rượu cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe.