Bộ Y tế nói gì về việc không tiêm vaccine Covid-19 phải ký cam kết?
(Dân trí) - Về yêu cầu người dân không tiêm phải ký giấy cam kết, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết việc ký cam kết nhằm nâng cao trách nhiệm của hai bên trong yêu cầu phòng chống dịch.
TPHCM và một số địa phương vừa có yêu cầu trường hợp người dân không đồng ý tiêm vaccine phòng Covid-19 phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh.
Trước đó, Bộ Y tế có văn thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về việc kiểm điểm tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19. Trong đó có nội dung thống nhất quan điểm truyền thông về tiêm vaccine là tiêm vaccine phòng chống dịch; địa phương nào không tiêm, người dân nào không tiêm để xảy ra dịch phải chịu trách nhiệm. Người dân không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết.
Về vấn đề này, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết quan điểm tiêm vaccine là yêu cầu phòng chống dịch. Do đó mỗi người dân cần tiêm đúng lịch, đúng liều. Tổ chức Y tế Thế giới cũng khẳng định vaccine là chiến lược trong giai đoạn bình thường mới và giai đoạn tiếp theo, đặc biệt khi xuất hiện biến thể mới.
"Chúng ta biết ký cam kết là cam kết giữa 2 bên trong việc thực hiện trách nhiệm của mình, thể hiện đặt vai trò cao hơn nữa. Việc ký cam kết nêu rõ trách nhiệm giữa các bên là cần thiết, đặc là giữa chính quyền và người dân để rõ hơn các hoạt động của mình", GS Lân nói.
Theo ông, nguyên tắc để thực hiện với cam kết là để nâng trách nhiệm của hai bên trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Đối với một vấn đề được quan tâm như vaccine thì việc ký cam kết nhằm nâng cao trách nhiệm của hai bên trong vấn đề thực hiện yêu cầu phòng chống dịch.
Tại Việt Nam, thời gian qua việc tiêm vaccine phòng Covid-19 là tự nguyện. Vì thế, trước khi tiêm mỗi người đều phải ký vào bản cam kết tự nguyện tiêm.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết hiện người dân còn tâm lý lơ là, chủ quan, không đi tiêm mũi nhắc lại vì cho rằng đã mắc, đã tiêm vaccine. Cán bộ y tế gửi giấy mời đến tiêm thì nhận được tờ giấy người dân viết "Chúng tôi không đồng ý tiêm chủng, đừng gọi chúng tôi nữa".
"Bệnh dịch vẫn còn hiện hữu. Chúng tôi tha thiết khuyến khích người dân trong những tháng tới đi tiêm vaccine phòng Covid-19. Chúng tôi mong muốn các cán bộ y tế hết sức có trách nhiệm với từng liều vaccine", PGS Hồng nói.
Theo bà, hiện nay Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chương trình tiêm chủng đã và đang thực hiện kịp thời việc phân bổ vaccine cho tất cả các tuyến. Với lô vaccine có hạn ngày 30/6, Viện đã thực hiện phân bổ từ giữa tháng 5. Hiện y tế cơ sở đã hết sức nỗ lực để vận động, truyền thông người dân đến tiêm, thậm chí tiêm cả vào đêm.
Virus SARS-CoV-2 tiến hóa khôn lường
Với biến thể phụ mới của Omicron, GS Lân cho biết vaccine vẫn có hiệu quả ứng phó với biến thể mới. Virus SARS-CoV-2 luôn tiến hóa, thậm chí tiến hóa khôn lường. Thế giới đánh giá sự tiến hóa của virus trên 5 yếu tố: sự lây lan, độ nặng, tăng sức chịu đựng lên đối với vaccine, giảm hiệu quả điều trị, chẩn đoán.
"Theo dõi 2 năm qua, chúng ta thấy nhiều lúc virus tiến hóa khôn lường. Từ chủng gốc, bình thường một đại dịch sẽ đi theo hướng tăng dần miễn dịch (miễn dịch do vaccine và do mắc phải) thì giảm dần xu thế của dịch, cuối cùng biến mất hoặc trở thành dịch lưu hành. Tuy nhiên, virus SARS-CoV-2 tiến hóa khó lường", GS Lân chia sẻ.
Dẫn chứng điều này, GS Lân cho biết Việt Nam đã trải qua nhiều đợt dịch từ chủng gốc đến Alpha, Delta, Omicron, thậm chí Omicron có đến 5 biến thể phụ. Tháng 9/2021 khi xuất hiện biến chủng Delta lây lan rất nhanh, chúng ta đã nghĩ đến kịch bản Vũ Hán nhưng đến tháng 11 xuất hiện biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn. Thậm chí biến thể phụ BA4, BA5 lây lan nhanh hơn BA1, BA2.
"Một điều chúng ta thấy qua các biến thể vừa rồi là vaccine có khác nhau trong đáp ứng với các biến thể nhưng nhìn chung vẫn giảm nhập viện nặng, giảm tử vong", GS Lân nhấn mạnh.