1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bộ Y tế làm việc với Facebook để siết chặt quảng cáo thực phẩm chức năng

(Dân trí) - Trước hiện tượng quảng cáo thực phẩm chức năng trái quy định trên website, mạng xã hội nhan nhản, như “nấm mọc sau mưa", ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khẳng định cơ quan này đang làm việc với Facebook để siết chặt tình trạng quảng cáo "nổ" công dụng thực phẩm chức năng.

Thưa ông, thực trạng vi phạm quảng cáo trên các website, mạng xã hội rất phức tạp. Doanh nghiệp lợi dụng hình ảnh của bệnh viện, bác sĩ, cơ quan thông tấn để quảng cáo khiến người tiêu dùng dễ bị đánh lừa. Các hành vi này sai phạm như thế nào?

Bộ Y tế làm việc với Facebook để siết chặt quảng cáo thực phẩm chức năng - 1

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Thanh Phong: Tôi khẳng định, những hành lợi dụng uy tín, hình ảnh của bệnh viện, bác sĩ, cơ quan truyền thông để quảng cáo là vi phạm pháp luật, đặc biệt với các quảng cáo trên trang mạng xã hội. Quy định của pháp luật nêu rõ, tất cả nội dung quảng cáo đều phải được thẩm định nội dung của cơ quan chuyên môn, công ty chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được thẩm định.

Tuy nhiên, thực trạng quảng cáo "nổ" công dụng vẫn diễn ra?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Việc giả mạo, sử dụng hình ảnh, uy tín của cán bộ y tế, cơ quan y tế, thậm chí giả mạo cả cơ quan truyền thông để quảng cáo trên mạng xã hội phức tạp, diễn ra rất phổ biến.

Bộ Y tế làm việc với Facebook để siết chặt quảng cáo thực phẩm chức năng - 2

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khẳng định những hình ảnh này là mạo danh bệnh viện để quảng cáo.

Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm quảng cáo như trên. Thông tin về sai phạm, mức xử phạt  được đăng tải công khai trên đài truyền hình, đài tiếng nói Việt Nam, các cơ quan báo chí và trên website chính thức của Cục An toàn thực phẩm.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về chế tài xử phạt? Phải chăng còn quá nhẹ khiến các công ty "nhờn" luật, tiếp tục quảng cáo "nổ" công dụng để lừa đảo người tiêu dùng?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Trong năm 2018 chúng tôi xử phạt hơn 6 tỉ về các hành vi vi phạm quảng cáo, đó là một con số lớn.

Nhưng thực trạng vi phạm quảng cáo vẫn rất phức tạp, nhức nhối. Có nhiều trường hợp chúng tôi phát hiện vi phạm, mời doanh nghiệp đứng ra công bố sản phẩm đang quảng cáo trên mạng xã hội để lập biên bản phạt, họ phủ nhận không phải do họ thực hiện.

Vì thế, chúng tôi phải thêm những bước khác để xử phạt. Như với quảng cáo vi phạm trên website mà doanh nghiệp phủ nhận không phải do họ thực hiện, chúng tôi phải gửi báo cáo đề nghị Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử- Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu xử lý các quảng cáo này.

Còn với quảng cáo trên mạng xã hội Facebook, chúng tôi đã có buổi làm việc đại diện của Facebook. Chúng tôi đề nghị Facebook có đường liên hệ trực tiếp với Bộ Y tế để có thể phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong quản lý các sản phẩm liên quan đến sức khỏe người dùng.

Bộ Y tế rất quyết liệt nhưng chúng tôi cần sự phối hợp của các bộ ngành, cần tiếng nói mạnh mẽ của tầm cao hơn để Facebook hợp tác với Bộ Y tế trong quản lý lĩnh vực này.

Vậy ông có lời khuyên nào với người tiêu dùng trước thực trạng quảng cáo "nổ" công dụng thực phẩm chức năng rất nhức nhối hiện nay?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng chỉ mang tính hỗ trợ. Vì thế, tất cả những quảng cáo về công dụng thần kì, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều là những quảng cáo "nổ" vi phạm quy định.

Vì thế, chúng tôi đăng tải thông tin công khai, khuyến cáo người tiêu dùng trong khi cơ quan chức năng đang xử lý, người dân không mua, sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật.

Tất cả các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo trên mạng xã hội dùng thư tín bệnh nhân, hình ảnh cơ sở y tế, danh nghĩa cơ quan y tế, hình ảnh bác sĩ, có công dụng chữa bệnh nọ bệnh kia hoàn toàn sai sự thật, tuyệt đối không mua.

 Các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và “thổi phồng” như thuốc chữa bệnh hiện nay như, sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan…, thậm chí có thuốc quảng cáo phải dùng vài tháng mới thấy tác dụng, chính thời gian này đã cướp mất cơ hội được chữa bệnh kịp thời của bệnh nhân, rất nguy hiểm. 

Trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Hải (thực hiện)