1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bộ Y tế chưa nhận được kết quả vụ 3 trẻ tử vong

(Dân trí) - Sau khi có thông tin về nguyên nhân khiến 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B là do nhầm sang thuốc gây co tử cung, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự Phòng, Bộ Y tế, cho biết chỉ nhận được thông tin này qua báo chí.<br><a href='http://dantri.com.vn/suc-khoe/vu-3-tre-so-sinh-tu-vong-do-tiem-nham-thuoc-gay-co-bop-tu-cung-793776.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong: Do tiêm nhầm thuốc gây co bóp tử cung </b></a>

Bộ Y tế chưa nhận được kết quả vụ 3 trẻ tử vong


 
Sáng 25/10, trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết mới chỉ biết thông tin kết luận vụ 3 trẻ tử vong qua báo chí chứ chưa nhận được thông báo chính thức từ cơ quan điều tra. Ông Phu cũng đã liên lạc với lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Trị và cũng có câu trả lời tương tự là chưa nhận được thông báo chính thức nào từ cơ quan công an về kết luận này.

Theo ông Trần Đắc Phu, vụ việc 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) là một sự cố hi hữu nhưng đặc biệt nghiêm trọng, chưa từng xảy ra suốt 25 năm triển khai tiêm chủng mở rộng.

“Về tử vong sau tiêm chủng, trên thế giới cũng đã ghi nhận những trường hợp sau điều tra đã xác định nguyên nhân không phải do vắc-xin mà do lỗi thực hành tiêm chủng như tại Yemen năm 1997, đã tiêm nhầm Isullin cho 70 trẻ và gây tử vong cho 21 trẻ. Nếu việc tiêm nhầm như kết luận thì đây là sự việc lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam”, ông Phu nói.

Nguyên nhân gây tai biến cho 3 trẻ sau tiêm vắc xin đến nay chưa có kết luận cuối cùng nhưng nguyên nhân do vắc xin đã được loại trừ, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” để tiếp tục điều tra những sai phạm của các cá nhân.

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của những cá nhân liên quan đến vụ việc khiến 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B, ông Phu cho rằng, những người có liên quan cần phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, tuy nhiên cần chờ kết luận cuối cùng của cơ quan công an. Cơ quan công an sẽ là đơn vị xác định đúng người, đúng việc, các đối tượng có liên quan.

“Việc sai sót vừa qua tại BV Hướng Hóa, Quảng Trị nguyên nhân không phải do vắc xin, lỗi chỉ xảy ra ở một điểm tiêm chủng có tính chất cá nhân, trong khi đó toàn quốc có đến 16 nghìn điểm tiêm chủng, mỗi tháng khoảng 400 nghìn trẻ được tiêm chủng. Lợi ích của tiêm chủng là rất lớn, vì thế người dân không nên quá băn khoăn, lo lắng mà hãy cho con đi tiêm chủng để phòng bệnh cho trẻ”, TS Phu nói.

Sau sự việc xảy ra tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt, đưa ra nhiều giải pháp nhằm xiết chặt công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng. Theo đó, tăng cường thanh kiểm tra trong thực hành tiêm chủng, tập huấn cho cán bộ tiêm chủng, quy định số trẻ tiêm không vượt quá 50 trẻ/buổi tiêm… Đặc biệt, chỉ điểm tiêm chủng nào qua kiểm tra đạt được những quy định của Bộ Y tế mới được phép tiến hành tiêm chủng cho trẻ.

Liên quan đến vụ 3 bé sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B, theo nguồn tin của Báo Lao Động, cơ quan chức năng bước đầu đưa ra kết luận là do lấy nhầm thuốc Oxytocin gây co tử cung tiêm cho 3 cháu bé.

Lý do được đưa ra là thời điểm tiêm chủng, bệnh viện mất điện nên nhân viên tiêm chủng đã dùng điện thoại soi tìm vắc-xin. Do ở đây, vắc-xin được bảo quản chung với thuốc gây co tử cung Oxytocin nên thay vì lấy vắc-xin viêm gan B, họ đã lấy nhầm thuốc gây co tử cung tiêm cho 3 cháu bé. Điều này được làm rõ khi cơ quan chức năng lấy thuốc còn lại trong xi-lanh đã tiêm cho các cháu và kiểm tra.

Hồng Hải