Bộ Y tế chi viện 3 giáo sư đầu ngành vào miền Trung chống dịch Covid-19
(Dân trí) - GS.TS Nguyễn Gia Bình, GS.TS Nguyễn Văn Kính và PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu sẽ được chi viện vào miền Trung nhằm nâng cao năng lực điều trị các ca Covid-19 nặng.
Theo quyết định vừa được GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ký ban hành, 3 chuyên gia này gồm:
GS.TS Nguyễn Văn Kính, bác sĩ cao cấp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn bổ sung, sửa đổi cập nhật Hướng dẫn chẩn đoán điều trị viêm đường hô hấp cấp (Covid-19).
GS.TS Ngô Quý Châu, giảng viên cao cấp Trường Đại học Y Hà Nội, nguyên Quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng chuyên môn bổ sung, sửa đổi cập nhật Hướng dẫn chẩn đoán điều trị viêm đường hô hấp cấp (Covid-19).
GS.TS Nguyễn Gia Bình, bác sĩ cao cấp Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, Tổ trưởng Tổ hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch.
Theo đó, các giáo sư, bác sĩ được trưng tập làm chuyên gia tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Y tế về phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Cũng trong trưa ngày 13/8, Bộ Y tế cử GS.TS Nguyễn Gia Bình; GS.TS Nguyễn Văn Kính; PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu- Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào miền Trung phối hợp với “Bộ chỉ huy tiền phương” của Bộ Y tế tại Đà Nẵng, tiếp tục nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng.
Nhiều bệnh nhân nặng - thách thức lớn trong điều trị
Về diễn biến dịch tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá, dịch Covid-19 tại các tỉnh Đà Nẵng và Quảng Nam vẫn còn phức tạp và Bộ Y tế tiếp tục tập trung toàn lực hỗ trợ, chia sẻ với 2 tỉnh này trong việc xét nghiệm, truy vết, dập dịch, điều trị bệnh nhân Covid-19 nhất là với các bệnh nhân nặng.
Đến nay, sau hơn 20 ngày bùng phát trở lại tại Đà Nẵng, các ca mắc Covid-19 cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, số ca nặng vẫn là một thách thức rất lớn. Hiện có khoảng 15 bệnh Covid-19 nặng với 3- 4 bệnh nền đi kèm như tim mạch, tiểu đường, suy tủy, thận nhân tạo… phải thở máy, ECMO.
Các bệnh nhân nặng tập trung tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 (5 ca), Bệnh viện Phổi Đà Nẵng (4 ca), Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang (5 ca), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (1 ca).
Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá, các ca bệnh diễn biến nặng đều có các bệnh lý mãn tính kèm theo nên tiên lượng rất khó. Nhưng, Bộ Y tế cùng với các chuyên gia đầu ngành vẫn và đang tiếp tục tập trung nguồn lực, trí tuệ, để cứu chữa các bệnh nhân này, với phương châm, luôn nỗ lực hết mình để tìm mọi cách mang lại cơ hội sống cho những bệnh nhân nặng mắc Covid-19.
Theo đó, Thứ trưởng Sơn cho biết, trong các cuộc giao ban hàng ngày với Tiểu ban điều trị, các chuyên gia đều trao đổi rất kỹ các trường hợp bệnh nhân nặng để có thể thay đổi cả về phác đồ, thuốc men và những yêu cầu cần thiết để hy vọng bệnh nhân sẽ tốt lên.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng cũng khẳng định, mục tiêu điều trị các ca mắc Covid-19 nặng là hạn chế tối đa tử vong.
PGS Khuê đánh giá đây là một mục tiêu, nhiệm vụ khó khăn, do các bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng, có nhiều bệnh mãn tính, tuổi cao đặc biệt là có thời gian nằm điều trị ở các khoa Hồi sức cấp cứu, lọc máu lâu ngày. Các bệnh nhân này đã suy các cơ quan quan nội tạng trong quá trình điều trị trước đây. Hệ thống miễn dịch, sức đề kháng suy yếu. Có những bệnh nhân suy thận mãn chạy thận chu kỳ trên 10 năm; nhiều bệnh nhân suy tim, bệnh nhân ung thư; nhiều bệnh nhân cao tuổi... Nay bệnh nhân bị mắc thêm Covid-19 làm cho cơ hội tiến triển của các bệnh mãn tính tăng lên, trở thành những bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng và rất nặng. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn đang tập trung chi viện cho Đà Nẵng, Quảng Nam, hi vọng việc điều trị cho các bệnh nhân nặng sẽ có tiến triển khả quan.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đến nay Bộ Y tế đã cử đội ngũ chuyên gia đầu ngành, tinh nhuệ thuộc nhiều lĩnh vực như hồi sức, truyền nhiễm, cấp cứu, thận nhân tạo, xét nghiệm, dịch tễ, tim mạch, ung bướu... lên đến hàng trăm người vào hỗ trợ thực hiện công tác điều trị, xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch...với quyết tâm khống chế dịch Covid-19 ở Đà Nẵng, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong bệnh nhân nặng.
Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình diễn biến dịch Covid-19 tại Đà Nẵng lần này khác đợt trước. Đợt trước, bệnh nhân Covid-19 đa phần là người trẻ, trên 30 tuổi, tổn thương không nặng.
Còn tại Đà Nẵng lần này Covid-19 đánh trúng vào nhóm đối tượng yếu nhất, là những người lớn tuổi, những người bị bệnh mạn tính, bị tổn thương mạch máu, thậm chí ung thư… những người này có nguy cơ tử vong cao. Virus SARS-CoV-2 không chỉ đi vào phổi mà còn đi vào trong lòng mạch, đi vào tế bào trong cùng của mạch máu, đánh phá các tế bào đó, gây ra các cục máu đông trong lòng mạch dẫn tới cơ chế vận chuyển oxy đến các tế bào sẽ bị ngưng và dẫn tới bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao” GS.TS Nguyễn Gia Bình cho biết.