Bộ Y tế cảnh báo "chiêu" mập mờ quảng cáo thực phẩm như “thuốc chữa bệnh”
(Dân trí) - Rất nhiều "chiêu" quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh được cơ quan chức năng phát hiện, với những ngôn từ như đẩy lùi bệnh tật, một liều hết triệu chứng, trị bệnh...
Gần 70% là vi phạm quảng cáo
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, tình trạng quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trên Facebook, mạng xã hội, các website diễn ra rất tràn lan.
"Chúng tôi ngày nào cũng phải vào kiểm tra, phát hiện rất nhiều những quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng nhưng lại khẳng định "trị bệnh", "dùng một liều là khỏi", "đông y trị nhức xương khớp".
Trong các quyết định mới nhất xử phạt 19 cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng, thì có đến 12 cơ sở có sai phạm liên quan đến quảng cáo, trong đó phổ biến nhất là quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh, quảng cáo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
"Việc quảng cáo mập mờ gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh rất nguy hiểm", ông Phong nói.
Cá nhân ông đánh giá vi phạm này rất nghiêm trọng, là quảng cáo lừa dối người tiêu dùng, là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Nhiều người Việt dễ dàng bị đánh lừa bởi những ngôn từ quảng cáo, bỏ ra tiền trăm, tiền triệu mua thực phẩm vì ngỡ có tác dụng... chữa bệnh, gây tốn kém, ảnh hưởng đến thời gian vàng điều trị.
Ông Phong cho biết thêm, hầu như ngày nào trên trang website chính thức của Cục An toàn thực phẩm cũng thông tin về việc phát hiện các sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo gian dối, lừa người tiêu dùng như một loại thuốc chữa bệnh.
Mới nhất, ngày 27/8, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nanofast trên các website https://songvuikhoe.vn/, https://khoedep365.net/nano-fast/, https://chuyensuckhoesacdep.com/nano-fast/ có nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo sử dụng hình ảnh bác sỹ, cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.
Sản phẩm này được Công ty TNHH MTV Nano Việt Nam (địa chỉ: Số 142B Đê La Thành, phường Thổ Quan, Quận Đống Đa, TP. Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trường Xuân Vương quảng cáo trên website https://chuyensuckhoesacdep.com/truong-xuan-vuong/có nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo sử dụng hình ảnh bác sỹ, cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.
Sản phẩm này được Công ty cổ phần dược phẩm Phát Đạt (Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà Viet Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Hay sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Phương Đông Đại Tràng trên các website như: https://sanduoc.net/tpcn/phuong-dong-dai-trang/; https://phuongdongdaitrang.vn/san-pham với nội dung không đúng bản chất, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo. Sản phẩm này do Công ty TNHH Cổ phần Dược phẩm An Châu (Địa chỉ: số nhà 87, TT12 khu đô thị Văn Phú, phường Phú La quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên các website nêu trên để quyết định mua, sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Xử phạt nặng
PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khẳng định, thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh, hoàn toàn không được quảng cáo, ghi nhãn công dụng là điều trị, thay thế thuốc chữa bệnh, không được dùng hình ảnh, uy tín, danh nghĩa của cán bộ y tế, của cơ sở y tế để quảng cáo. Mọi hành vi cố tình quảng cáo mập mờ TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh sẽ bị xử phạt theo quy định.
Trong quyết định xử phạt 19 cơ sở trên, có đến 12 cơ sở có sai phạm liên quan đến quảng cáo, trong đó hành vi cố tình quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh bị phạt lên tới 50 triệu đồng, công khai sai phạm trên website của cơ quan quản lý, trên các phương tiện truyền thông.
Ông Phong cũng khuyến cáo người tiêu dùng nhận diện vi phạm quảng cáo, nếu thấy bất cứ một trong những dấu hiệu sau, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về sai phạm quảng cáo:
- Dùng cán bộ y tế, danh nghĩa cán bộ y tế để quảng cáo
- Lấy danh nghĩa bài thuốc đông y, lang y nhưng thực chất đó là thực phẩm để quảng cáo chữa khỏi bệnh nọ bệnh kia là quảng cáo sai sự thật.
- Dùng thư, lời cảm ơn, phát biểu của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm chức năng.
- Quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng lại khẳng định chữa dứt điểm bệnh nọ, bệnh kia, quảng cáo "đẩy lùi" bệnh tật...