Bộ trưởng y tế: Táo bón, đau đầu sao phải lên trung ương khám?
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, y tế cơ sở đã được đầu tư hơn rất nhiều, nhưng người dân vẫn chưa tin tưởng. “Tôi từng hỏi những bệnh nhân 4 giờ sáng đã bắt xe bus lên trung ương khám, nhiều người chỉ đơn giản là táo bón, đau đầu, tức ngực…
Vậy sao những bệnh đơn giản này phải lên trung ương khám? Điều đó là không cần thiết, tốn kém tiền bạc của người dân, tạo sức ép, quá tải bệnh viện tuyến trên. Sắp tới Bộ Y tế quy định tất cả các bệnh mãn tính đã ổn định, có phác đồ điều trị như tiểu đường, tim mạch, huyết áp… chuyển tuyến xã theo dõi, quản lý”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị trực tuyến nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến cơ sở diễn ra sáng 6/7 tại Hà Nội.
Y tế cơ sở mất vai trò "người gác cổng"
Bộ trưởng Y tế cho rằng, thời gian qua y tế cơ sở có những vai trò tích cực, là mô hình mạng lưới rộng lớn thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, là “điểm sáng” không phải nước nào cũng có được, do có hệ thống y tế đến tận xã phường, thậm chí y tế thôn bản.
"Trên thế giới, các nước cũng rất tập trung cho y tế cơ sở bởi y tế cơ sở là đầu tư hiệu quả nhất để tránh tốn kém nhất. Như tại Đức chi cho y tế cơ sở 29%, Nhật là 22,%, Hàn Quốc là 19%. Tổ chức thế giới cũng khuyến khích Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn cho y tế cơ sở", Bộ trưởng nói.
Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản đã được triển khai có hiệu quả, sâu rộng như: tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, KCB thông thường, truyền thông giáo dục sức khỏe. Hiện nhiều trạm y tế xã bước đầu đã quản lý, điều trị một số bệnh mạn tính không lây (tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch), một số loại bệnh truyền nhiễm (lao, HIV/AIDS) và phục hồi chức năng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, hạn chế trong y tế cơ sở của Việt Nam, đó là chưa làm cho người dân tin tưởng. "Người dân chúng ta chưa tin tưởng vào y tế cơ sở vì chất lượng, vì cán bộ y tế, chi trả thấp, danh mục thuốc ít, danh mục kỹ thuật ít nên người bệnh vượt lên tuyến trên, y tế cơ sở mất vai trò là người gác cổng", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế dẫn chứng, thực tế số lượt KCB tại tuyến y tế cơ sở chiếm trên 70% tổng số lượt KCB BHYT trong khi chi phí KCB BHYT chỉ chiếm khoảng 30% tổng chi phí. Ngược lại, số lượt KCB tại tuyến tỉnh, tuyến Trung ương chiếm chưa đến 30% tổng số lượt nhưng chi phí lại chiếm gần 70% tổng chi phí.
Làm sao "giữ chân" bệnh nhân tại y tế cơ sở?
Theo Bộ trưởng Tiến, Việt Nam chưa thực sự khôn ngoan để sử dụng hiệu quả nguồn lực y tế cơ sở. Vì thế, cần bỏ quy định khống chế tỉ lệ chi 20% chi phí khám chữa bệnh cho y tế tuyến xã. Sắp tới, Bộ Y tế quy định tất cả các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch đã ổn định, có phác đồ chuyển về tuyến xã điều trị.
"Tôi đã từng hỏi nhiều bệnh nhân đi xe bus từ 4 giờ sáng để lên bệnh viện Trung ương để khám táo bón, đau đầu, tức ngực. Chỉ những bệnh đơn giản mà phải lên tận Trung ương chiếu chụp là không cần thiết", Bộ trưởng nói.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế nêu thực tế bệnh nhân vắng vẻ tại trạm y tế. Có những trạm y tế trung bình một ngày chỉ khám 10-15 người; có nơi chỉ một vài người. Trạm y tế thiếu trang thiết bị y tế; ngay cả các thiết bị tối thiểu như dụng cụ khám bệnh, máy đo huyết áp, máy khí dung, xét nghiệm đường huyết máu mao mạch... Có trạm có siêu âm xách tay, máy điện tim nhưng sử dụng rất hạn chế.
Một khảo sát năm 2010 cho thấy chỉ có khoảng 26% trạm có đủ trang thiết bị y tế thiếu yếu; gần 43% ở mức chấp nhận được, 31% thiếu trang thiết bị cơ bản theo yêu cầu. Ngoài ra, hầu hết các trạm y tế đều thiếu các thuốc trong danh mục, kể cả các thuốc cho điều trị các bệnh mạn tính, thông thường.
Đáng nói, số lượng cán bộ y tế cơ bản đủ nhưng chất lượng còn hạn chế. Một nghiên cứu năm 2012 tại một số trạm y tế khu vực miền núi cho thấy, có đến 50% cán bộ y tế không nắm được chính xác huyết áp ở mức nào được chẩn đoán là tăng huyết áp; 90% không biết cách sơ cấp cứu dị vật đường thở.
Trong năm 2017, Bộ Y tế ban hành thông tư quy định gói dịch vụ y tế cơ bản mà trạm y tế phải cung cấp được, gồm 78 dịch vụ kỹ thuật, 244 thuốc nhưng thực tế các trạm y tế chưa cung ứng được ở mức tối thiểu các dịch vụ này. Nhiều trạm y tế không thực hiện những kỹ thuật như đặt ống thông dạ dày; rạch rộng vòng thắt nghẹt bao quy đầu trong nhi khoa... Trạm y tế xã mới chỉ quản lý số lượng người bệnh (THA) hoặc chỉ khám, kê đơn theo các đơn thuốc đã được kê tại tuyến trên, không đánh giá tiến trình đạt mục tiêu điều trị...
Ông Lê Văn Phúc, phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho rằng năng lực trạm y tế xã hiện nay rất khác nhau, có nơi tới 2 bác sĩ "cắm chốt" nhưng có nơi không có bác sĩ nào.
Tại hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Nguyễn Thị Minh cũng nhìn nhận chất lượng KCB tuyến y tế cơ sở vẫn là vấn đề phải suy nghĩ bởi y tế cơ sở là người "gác cổng" trong hệ thống y tế, giúp người dân giảm chi từ tiền túi nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu này.
"Nếu như năm 2014, tỉ lệ người dân KCB tại tuyến xã là gần 30% thì năm 2017 chỉ còn gần 20% và 6 tháng đầu năm chỉ còn 18%. Có gần 10.000 trạm y tế tuyến xã nhưng người dân thờ ơ với y tế tuyến xã vì người bệnh chưa tin tưởng nhân viên y tế tuyến xã"- bà Minh nói.
Theo bộ trưởng cần chi nhiều hơn cho y tế cơ sở, phân công bác sĩ từ trạm y tế xã lên tuyến huyện học chuyên môn, cử bác sĩ từ tuyến trên xuống một thời gian khám để người dân tin tưởng vào chất lượng của y tế tuyến dưới, đầu tư cơ sở vật chất-trang thiết bị y tế. Mục đích để người dân tin tưởng y tế cơ sở, khám chữa bệnh tại đây. Quỹ bảo hiểm sẽ tăng chi trả cho người bệnh, tăng chất lượng để giảm tải cho tuyến trên.
“Cứ để bác sĩ ở trạm y tế xã mãi thì cả đời họ không phát triển được. Có trạm có đến 3 bác sĩ y học cổ truyền, 2 bác sĩ sản mà bác sĩ gia đình không có”, Bộ trưởng nói.
Hồng Hải