1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bộ trưởng Y tế: Tại sao bệnh nhân nằm viện tăng mạnh sau tăng viện phí?

(Dân trí) - Thời gian trung bình trước khi tăng giá viện phí người bệnh chỉ nằm viện 5 ngày nhưng sau tăng giá thời gian bệnh nhân nằm viện kéo dài lên đến 7 ngày, dẫn tới bội chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Thực tế trên đã được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu ra Hội nghị “Giải quyết vướng mắc trong khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế” tổ chức tại TPHCM (ngày 16/10).

Ngành y tế đang từng bước tiến tới tính đúng, tính đủ chi phí cấu thành giá dịch vụ
Ngành y tế đang từng bước tiến tới tính đúng, tính đủ chi phí cấu thành giá dịch vụ

Từ ngày 1/8/2017 các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và 28 tỉnh, thành phố khác đã điều chỉnh giá dịch vụ y tế với mức viện phí trung bình tăng khoảng 30%. Đây là lần tăng tiếp theo trong nhiều năm qua của ngành y tế nhằm tiến tới tính đúng tính đủ các chi phí cấu thành giá dịch vụ y tế.Tuy nhiên, cho đến nay, việc tăng phí này đã bộc lộ những vấn đề phát sinh.

Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết: “Bảo hiểm xã hội cần sự chung tay của ngành y tế và lãnh đạo các địa phương để quan lý tốt nhất việc chi quỹ, giảm những bất hợp lý...

Hiện nguồn quỹ BHYT kết dư từ những năm trước còn rất ít, có thể sẽ hết trong một vài năm tới. Đã đến lúc chúng ta phải nâng mệnh giá BHYT”.

Theo ông Lê Văn Phúc, Phó ban thực hiện Chính sách xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trước đây, chi phí khám chữa bệnh ngoại trú chỉ bằng 40% so với chí phí nội trú, nhưng thời gian gần đây chi phí nội trú đã tăng gần gấp đôi so với chi phí điều trị nội trú.

Trong 9 tháng của năm 2017 số tiền đề nghị thanh toán ngoại trú là 23.900 tỷ đồng, còn số tiền đề nghị thanh toán nội trú lên đến 40.700 tỷ đồng. Điều này là do các cơ sở y tế tăng số lượng bệnh nhân điều triều trị nội trú một cách bất hợp lý dẫn tới bội chi quỹ BHYT.

Dẫn chứng cho vấn đề trên, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chỉ ra, còn 3 tháng nữa mới hết năm nhưng đã có 35 tỉnh chi khám chữa bệnh BHYT vượt 100% của năm 2017. Những địa phương bị bội chi cao là Quảng Nam (154%); Nghệ An (140,1%); Hà Tĩnh và Thanh Hóa (128%); Đà Nẵng (118,8%)...

Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn đánh giá: “Hiện nay, việc khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế đang gây ra nhiều bức xúc cho cộng đồng như: giao quỹ BHYT cho địa phương; số lượt khám, chữa bệnh quá mức; kê thêm giường bệnh; số ngày nằm viện của bệnh nhân tăng; bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc và xét nghiệm cao hơn bình thường...”

Thời gian điều trị trung bình của bệnh nhân tăng thêm sau khi tăng giá dịch vụ
Thời gian điều trị trung bình của bệnh nhân tăng thêm sau khi tăng giá dịch vụ

Bộ trưởng Kim Tiến đặt câu hỏi: “Tại sao trước khi tăng giá dịch vụ y tế, bệnh viện chỉ có 1.000 giường, sau khi tăng giá viện phí, số giường tại bệnh viện tăng lên đến 1.500 đến 1.600 giường? Tại sao trước khi tăng giá viện phí, bệnh nhân chỉ nằm viện có 5 ngày còn sau khi tăng giá viện phí, bệnh nhân mắc bệnh đó lại nằm viện đến 7 ngày?”.

Sau các câu hỏi để ngỏ, Bộ trưởng khẳng định: “Những vấn đề trên giám đốc bệnh viện và các trưởng khoa là người hiểu hơn ai hết”.

Vân Sơn