Bộ trưởng Y tế sốt ruột cảnh bệnh nhân nằm lâu, thay đổi thuốc liên tục vì nhiễm khuẩn bệnh viện

(Dân trí) - Một khảo sát tại khoa Hồi sức tích cực của 15 bệnh viện ở 3 miền Bắc, Trung, Nam cho thấy tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 27,3%. Tỉ lệ sử dụng kháng sinh thay đổi ở các khoa và bệnh viện dao động từ 60,5% đến 99,5%.

Sáng 30/9, tại hội nghị tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, tăng biến chứng, tăng ngày điều trị, tăng chi phí nằm viện và tăng tỷ lệ tử vong.

Bộ trưởng Y tế sốt ruột cảnh bệnh nhân nằm lâu, thay đổi thuốc liên tục vì nhiễm khuẩn bệnh viện - 1

Tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện, nhất là tại các khoa Hồi sức tích cực còn khá cao. Ảnh minh hoạ.

"Nhiễm khuẩn bệnh viện cũng gây quá tải, giảm chất lượng và uy tín bệnh viện và trở thành gánh nặng chăm sóc y tế. Đôi khi biến chứng của nhiễm khuẩn bệnh viện còn nặng hơn chính bệnh mà bệnh nhân mắc phải”, Bộ trưởng Tiến lo ngại.

Tại Việt Nam hiện bước đầu thực hiện giám sát ca bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện, giám sát tuân thủ vệ sinh tay, giám sát tuân thủ các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát vi sinh vật gây nhiễm khuẩn bệnh viện và kháng kháng sinh, từng bước chuẩn hóa công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn, tăng cường vệ sinh bệnh viện, chủ động phòng chống bệnh dịch...

Tuy có nhiều nỗ lực nhưng tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện đang là vấn đề rất đáng lo ngại. Nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương (năm 2013), khảo sát tại khoa Hồi sức tích cực của 15 bệnh viện từ 3 miền Bắc, Trung, Nam cho thấy tỷ lệ là nhiễm khuẩn bệnh viện là 27,3%; tỉ lệ sử dụng kháng sinh thay đổi ở các khoa và bệnh viện dao động từ 60,5% đến 99,5%. Các bệnh viện tuyến trung ương có tỷ lệ nhiễm khuẩn cao hơn và tác nhân hàng đầu gây nhiễm khuẩn bệnh viện.

Bộ trưởng Tiến bày tỏ, bà rất sốt ruột về vấn đề này. Kiểm soát nhiễm khuẩn có vai trò quan trọng trong cơ sở y tế, đặc biệt tại các khoa gây mê hồi sức và hồi sức tích cực vì liên quan mật thiết đến chất lượng chăm sóc sức khỏe người bệnh.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, qua đánh giá 558 bệnh viện cho thấy vẫn còn 42,8% Khoa Hồi sức tích cực không bố trí luồng di chuyển 1 chiều; gần 18% Khoa không có khu để xử lý dụng cụ; đặc biệt có đến gần 54% Khoa gây mê hồi sức cho biết không khử khuẩn, tiệt khuẩn tập trung các dụng cụ, gần 20% Khoa Hồi sức không có quy định nhận diện người bệnh phẫu thuật…

Còn tại Khoa Hồi sức tích cực có đến 50,4% Khoa không có sẵn buồng cách ly; trong khi đó có đến 27,4% Khoa Hồi sức tích cực người nhà tham gia chăm sóc bệnh nhân…

Theo Bộ trưởng Tiến, tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện còn cao do nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân do người đứng đầu cơ sở y tế chưa nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn chưa có chính sách thu hút người tâm huyết.

Nhân lực giám sát chuyên trách kiểm soát nhiễm khuẩn thiếu ở hầu hết các bệnh viện. Nhân lực điều dưỡng thiếu, chưa thực hiện được chăm sóc toàn diện dẫn đến mỗi người bệnh phải có người nhà vào chăm sóc làm lan truyền vi sinh vật từ môi trường cộng đồng vào bệnh viện và ngược lại.

Nnguồn lực cho kiểm soát nhiễm khuẩn còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại nhiều BV chưa được quan tâm đầu tư đúng quy định. 

Bộ trưởng đánh giá, hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn  tại các BV tập trung nhiều vào giặt là, hấp sấy, quản lý chất thải mà chưa chú trọng vào công tác giám sát bao gồm giám sát tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn và giám sát tỷ lệ nhiễm khuẩn BV.

Người đứng đầu ngành y tế yêu cầu các bệnh viện cam kết thực hiện đúng, đầy đủ nội dung các văn bản, các quy định, hướng dẫn chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn do Bộ Y tế ban hành. Song song với truyền thông, nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng về kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh.

Đồng thời thiết kế/cải tạo cơ sở hạ tầng, trang bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, điều kiện cho phòng ngừa cách ly, thực hành vô khuẩn, vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiệt khuẩn và bố trí đủ kinh phí; nhân lực chuyên môn cho các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn theo cơ cấu giá viện phí dành cho kiểm soát nhiễm khuẩn.

Bộ trưởng cũng yêu cầu cần đẩy mạnh vai trò kiểm tra, giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện, Giám sát tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y  tế, sinh viên, học sinh, người bệnh và người nhà. Tăng cường giám sát vệ sinh môi trường, nhà vệ sinh.

Hồng Hải