Bộ trưởng Y tế hướng dẫn tập thể dục 3 phút giữa cuộc họp
(Dân trí) - Một clip với hình ảnh Bộ trưởng Bộ Y tế cùng các đại biểu, nhân viên tham gia cuộc họp tập thể dục giữa giờ được chia sẻ trên mạng xã hội nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng.
Trong clip cho thấy, trong khoảng 3 phút thời gian nghỉ giữa giờ của một cuộc họp ngày 18/2, Bộ trưởng đã cùng những người tham dự cuộc họp thực hiện một số động tác thể dục tại chỗ đơn giản, giơ cao tay, kiễng chân theo nhịp thở.
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bài tập này có xuất xứ từ Nhật Bản. Ở các nước trên thế giới, việc cùng đứng lên, làm vài động tác thể dục tại chỗ rất phổ biến.
“Lúc đầu khi tập thấy hơi ngại ngại, nhưng đứng lên 3 phút hít, thở, giơ tay cũng thấy sảng khoái, đỡ mệt mỏi sau một cuộc họp dài căng thẳng”, một cán bộ tham dự cuộc họp chia sẻ.
Việc tập thể dục tại chỗ giữa giờ Bộ trưởng Bộ Y tế rất tâm đắc, và muốn thử nghiệm ngay tại cơ quan bộ trước khi nhân rộng mô hình ra toàn ngành y tế.
Tại Bộ Y tế, từ năm đầu năm 2019 đã bắt đầu thực hiện thể dục vào thời điểm giữa các cuộc họp giao ban của Bộ. Cuộc tập thể dục đầu tiên chính thức được thực hiện tại cuộc họp giao bạn Bộ Y tế ngày 8/1 và sẽ tiếp tục được khởi động, trước mắt là cơ quan bộ, cán bộ ngành y, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện, y tế dự phòng, văn phòng sở, văn phòng TTYT. Sau đó, Bộ Y tế sẽ gửi đến các cơ sở y tế tại các tỉnh thành để mở rộng mô hình này. Nếu các Bộ ngành khác có quan tâm, Bộ Y tế cũng sẵn sàng hỗ trợ các chương trình tập thể dục tại công sở.
Theo Bộ Y tế, dự kiến ngày 27/2 nhân Ngày thầy thuốc VN, Bộ Y tế sẽ phát động toàn ngành thực hiện phong trào "thể dục giữa giờ tại công sở, nơi làm việc". Các mục tiêu tuyên truyền cũng hướng tới hướng dẫn cộng đồng biết cách vận động, thể dục để nâng cao sức khỏe, phòng bệnh.
Theo bà Tiến, Việc vận động tại chỗ tuy nhỏ nhưng lợi ích lớn, sẽ hình thành thói quen để mọi người tiến tới vận động nhiều hơn. Vận động tại chỗ đặc biệt hữu ích với những người hay phải ngồi nhiều. Việc tập thể dục giúp thay đổi tư thế, đỡ mệt mỏi và tăng năng suất lao động cũng như sức khỏe.
Bộ trưởng Y tế cũng từng chia sẻ, bà thích tập thể dục, luôn cố gắng đi bộ càng nhiều càng tốt, mỗi ngày đạt 10 nghìn bước chân là lý tưởng.
Theo Bộ trưởng, một hạn chế của người Việt, đó là chưa quan tâm nhiều đến việc chăm sóc sức khỏe từ khi còn trẻ mà chỉ chăm khi có bệnh, phải đi viện. Trong khi đến hơn 70% các loại tử vong là do các bệnh không lây nhiễm mãn tính như tim mạch, ung thư, tiểu đường, phổi tắc nghẽn và các bệnh khác... liên quan đến lối sống, trong đó có thói quen vận động.
"Khi đã bị bệnh phải vào bệnh viện rất tốn kém, phải gắn chặt với bệnh việc. Trong khi đó việc ăn uống điều độ, thể dục thể thao, rèn luyện cơ thể, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá... sẽ giúp chúng ta khỏe mạnh, phòng ngừa các bệnh lý này", Bộ trưởng nói.
Vì thế, Bộ Y tế bắt đầu khởi động chương trình tập thể dục ngay tại công sở. "Chúng tôi sẽ bắt đầu từ những cuộc họp giao ban Bộ Y tế, tiến tới ngày tập 2 lần ngay tại công sở, giữa các buổi họp, chỉ vài phút đứng dậy vận động ngay tại chỗ vẫn mang lại những giá trị hữu ích cho sức khoẻ", Bộ trưởng Tiến cho biết.
Bà Tiến cũng chia sẻ, bản thân bà sau khi đứng dậy tập tại chỗ chỉ vài phút, với 9 động tác thấy rất dễ chịu, thoải mái, nhẹ người. "Khi ngồi nhiều làm việc, tôi rất khó chịu, đau mỏi người, mỏi mắt. Đứng dậy vận động sẽ dễ chịu hơn".
"Vận động, nếu quá bận rộn, như ở các nước Singapore, Thái Lan, chỉ với mục đích in dấu chân, đi bộ càng nhiều càng tốt, làm sao để đạt 10 nghìn bước chân mỗi ngày. Kèm theo đó là giảm ăn mặn, giảm ăn đường, kiểm soát, đo huyết áp thường xuyên", Bộ trưởng khuyến khích.
Hồng Hải