Bộ trưởng sợ bệnh nhân đến… hạ đường huyết vì chờ khám!
(Dân trí) - “Có hôm tôi theo một bệnh nhân đi khám, trực tiếp xem hồ sơ từ lúc người ta đưa mẹ vào khám, chờ kết quả xét nghiệm, đi siêu âm … từ 5 giờ sáng. Nếu như lấy máu xong không kịp đi ăn, lại đến đợi siêu âm, chiếu chụp… có lẽ họ hạ đường huyết mất”.
Tại Hội nghị “Giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh, cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện” diễn ra sáng 18/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong hai vấn đề người bệnh không hài lòng nhất có thời gian chờ khám quá lâu.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, hiện nay tại các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh thời gian chờ khám của người dân đã giảm đi rất nhiều.
Theo báo cáo của PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, kết quả thời gian khám bệnh chung của cả 3 tuyến , khám lâm sàng trung bình 66,5 phút (giảm 53,5 phút so với mục tiêu), tuy nhiên thời gian chờ vẫn rất dài, 45,4 phút.
Khám lâm sàng có làm thêm hai kỹ thuật phối hợp cả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh là 200 phút, (giảm 40 phút so với mục tiêu), tuy nhiên thời gian chờ vẫn là 92,6 phút. Trung bình giảm thời gian khám bệnh trên một lượt khám so với trước khi có cải tiến là 48,5 phút.
Bộ trưởng Y tế đưa ra dẫn chứng thực tế, khi đến bệnh viện nào bà cũng phải hỏi tận nơi, hỏi chính người bệnh đang chờ khám mới thấy, chờ đợi là quá lâu, đặc biệt tại tuyến trung ương.
“Bệnh nhân nhịn ăn đến viện từ 5 – 6 giờ sáng lấy số, xếp hàng rồi đến 8 – 9 giờ mới được khám vì số lượng đông quá. Sau khi khám còn xét nghiệm, chờ kết quả xét nghiệm, rồi mới quay về bác sĩ kê đơn, lấy thuốc. Đây là mức khám đơn giản nhất, chỉ làm xét nghiệm, còn những nguời vừa khám, vừa xét nghiệm sinh hoá, vừa chẩn đoán hình ảnh còn chờ lâu hơn”, bà Tiến nói.
“Có hôm tôi theo một bệnh nhân đi khám, trực tiếp xem hồ sơ từ lúc người ta đưa mẹ vào khám, chờ kết quả xét nghiệm, đi siêu âm … mà họ đến viện từ 5 giờ sáng. Nếu như lấy máu xong không kịp đi ăn, lại đến đợi siêu âm, chiếu chụp… có lẽ họ hạ đường huyết mất. Vậy việc này phải cải thiện như thế nào? Tại sao vẫn để bệnh nhân mãn tính có tính chất tái khám như bệnh tiểu đường, huyết áp, tim mạch lên tuyến trung ương khám, để người già vẫn vẫn phải chống gậy chờ lấy thuốc?”, Bộ trưởng truy vấn.
Hay chỗ thu tiền là nơi “ùn tắc” nhất tại bệnh viện tuyến trung ương. “Chúng ta phải đưa ra giải pháp. Vì đến giai đoạn này chúng ta cần quyết liệt để được ngang bằng khu vực, không thể để người bệnh đi khám 5 – 6 giờ sáng, mà đến 11 giờ vẫn ngồi đông đúc như trong hội trường”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Theo Bộ trưởng Tiến, giải pháp giảm thời gian chờ đợi đầu tiên cần thực hiện, đó là hẹn thời gian khám. Như các nước, họ hẹn giờ khám, bệnh nhân đến đúng giờ, chờ 5 – 10 phút đến giờ khám rất văn minh.
“Tốt nhất, tất cả các bệnh nhân tái khám không phải xét nghiệm nhiều nên chuyển sang hẹn khám buổi chiều, hẹn khám sau 17 giờ… Hiện tất cả đều đổ dồn vào đầu giờ sáng đến khám nên quá tải, thời gian chờ đợi lâu. Như tại BV chợ Rẫy, đến 80% bệnh nhân đến khám vào đầu giờ sáng. Đây là giải pháp đầu tiên dễ làm nhất. Tuy người dân có thể chưa quen, nhưng cần tuyên truyền để người dân hiểu”, Bộ trưởng nói.
Giải pháp thứ 2 Bộ trưởng đề cập, đó là phải khống chế lượt khám dưới 50 người/bàn khám để giảm thời gian chờ. Tiếp đến là cần ứng dụng công nghệ thông tin, kĩ thuật số để triệt để giải quyết tình trạng chờ đợi. Theo đó cần có đơn thuốc điện tử, người bệnh nên nộp tiền bằng thẻ ngân hàng; bệnh viện mở thêm bàn thu viện phí…
“Tuy nhiên, về lâu dài, cơ bản nhất đó là cần tăng cường chất lượng bệnh viện tuyến dưới để những người dân mắc bệnh mãn tính thông thường như huyết áp, tiểu đường… tái khám, lấy thuốc ngay tại cơ sở.
Hồng Hải