Bộ trưởng chỉ đạo tăng tỉ lệ sử dụng thuốc y học cổ truyền

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, y học cổ truyền rất có ý nghĩa trong chữa trị các bệnh lý mãn tính. Bản thân Bộ trưởng cũng từng giới thiệu nhiều người thân đi khám y học cổ truyền. Bà cũng trăn trở làm sao để tăng tỉ lệ sử dụng, khám chữa y học cổ truyền, như tại Trung Quốc tỉ lệ này là 40%.

Sáng 17/11, tại lễ khánh thành, đưa vào sử dụng Trung tâm điều trị đa khoa chất lượng cao của Bệnh viện Y học cổ truyền T.W, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, việc bảo tồn, phát huy giá trị của y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã được Bộ Y tế thể chế hóa bằng nhiều chính sách phát triển khác nhau.

Bộ trưởng Bộ Y tế tham gia cắt băng khánh thành, đưa vào sử dụng Trung tâm điều trị đa khoa chất lượng cao, BV Y học cổ truyền T.W.
Bộ trưởng Bộ Y tế tham gia cắt băng khánh thành, đưa vào sử dụng Trung tâm điều trị đa khoa chất lượng cao, BV Y học cổ truyền T.W.

Trên thực tế cho thấy, rất nhiều bệnh có thể chữa trị khỏi bằng y học cổ truyền, do đó Bộ Y tế luôn quan tâm đến đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nhân lực, đặc biệt là cơ chế tài chính để y học cổ truyền phát triển.

Vì thế, Bộ Y tế hi vọng Trung tâm điều trị đa khoa chất lượng cao của BV Y học cổ truyền T.W sẽ là nơi kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị các bệnh khó; đi sâu nghiên cứu, vận dụng những ưu điểm, những thành tựu của hai nền y học trong các hoạt động khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc…

Trung tâm mới sẽ giúp bệnh viện có điều kiện kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị các bệnh khó; đi sâu nghiên cứu, vận dụng những ưu điểm, những thành tựu của hai nền y học trong các hoạt động: Khám bệnh, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc…từ đó tăng tỉ lệ khám chữa bệnh, sử dụng thuốc y học cổ truyền.

PGS.TS Vũ Nam, Giám đốc BV Y học cổ truyền TW cho biết, Trung tâm điều trị đa khoa chất lượng cao có quy mô 500 giường nội trú và 250 giường điều trị ban ngày; bao gồm các khoa: ngoại, kiểm soát điều trị ung bướu, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, khám bệnh. Bên cạnh đó, trung tâm còn được đầu tư một máy MRI và nhiều trang thiết bị tiên tiến, hiện đại để hỗ trợ tích cực cho công tác chẩn đoán nhằm nâng cao hiệu quả điều trị bệnh bằng các phương pháp y học cổ truyền.

Theo PGS Nam, trong chặng đường hơn 60 năm hình thành và phát triển, Bệnh viện đã có những bước tiến vượt bậc trên mọi lĩnh vực. Bệnh viện đã đẩy mạnh kết hợp YHCT và YHHĐ trong điều trị các bệnh khó; đi sâu nghiên cứu, vận dụng những ưu điểm, những thành tựu của hai nền y học trong các hoạt động của Bệnh viện như: Khám bệnh, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc…

Bệnh viện khám và điều trị hiệu quả cho khoảng 130 000 lượt bệnh nhân và cấp cứu thành công cho khoảng 2000 ca bệnh nặng. Các khoa luôn chú trọng phát triển các mũi nhọn về chuyên môn kết hợp thế mạnh của hai nền y học để điều trị những bệnh khó, phức tạp…làm tăng hiệu quả điều trị, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh, giảm tỷ lệ tử vong và tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển viện.

Bộ trưởng Tiến thăm, tặng quà bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm.
Bộ trưởng Tiến thăm, tặng quà bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm.

Bệnh viện đã mạnh dạn cử cán bộ đi học tập tại Pháp, Ý, Mỹ... áp dụng triển khai phẫu thuật mổ trĩ dưới hướng dẫn của Siêu âm Doppler; nhóm kỹ thuật chẩn đoán, điều trị rối loạn chức năng sàn chậu, đưa Bệnh viện trở thành đơn vị y tế đầu tiên của Việt Nam triển khai các kỹ thuật này...

Không chỉ là tuyến cao nhất khám, chữa bệnh bằng học cổ truyền, từ năm 1988 đến nay, BV Y học cổ truyền T.W cũng là trung tâm hợp tác của Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương về y học cổ truyền. Đây cũng là cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực, chỉ đạo tuyến về y học cổ truyền.

Bên cạnh những bước tiến về chuyên môn, Bệnh viện tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua do Bộ Y tế phát động như: “Xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử”, “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; đồng thời tăng cường cải cách thủ tục hành chính, thực hiện quy trình khám chữa bệnh giảm từ bảy bước xuống còn bốn bước, tạo điều kiện thuận lơi cho người bệnh tiếp cận các dịch vụ y tế.

Hồng Hải