1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bộ trưởng Bộ Y tế đau đầu tìm nguồn tài chính chi trả phát hiện bệnh ngay khi còn là “người khoẻ”

(Dân trí) - Tại buổi làm việc với tỉnh Ninh Bình ngày 8/7, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ bà "đau đầu" không tìm ra đâu nguồn ngân sách để phát hiện bệnh cho nhân dân ngay khi đang còn là những người khoẻ. Người dân cần được hướng dẫn ăn uống khoa học, thể dục đều đặn, được xét nghiệm sớm phát hiện tiểu đường... sẽ tốt hơn khi có bệnh phải vào viện điều trị.

Bệnh nhân phàn nàn trạm y tế thuốc còn nghèo nàn

Trước đó, sáng 8/7, Bộ trưởng đã làm việc tại trạm y tế xã Yên Sơn và Trung tâm y tế Tam Điệp của TP Ninh Bình.

Bộ trưởng Bộ Y tế đau đầu tìm nguồn tài chính chi trả phát hiện bệnh ngay khi còn là “người khoẻ” - 1

Bộ trưởng trò chuyện với người dân đi khám bệnh tại Trạm y tế xã Yên Sơn.

Trạm y tế xã Yên Sơn đạt chuẩn quốc gia, với cơ sở khang trang, sạch đẹp mỗi ngày tiếp nhận khoảng 30-40 bệnh nhân đến khám bệnh.

Trạm Y tế cũng đã quản lý được 4 bệnh lý mãn tính không lây nhiễm: Tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu, ung thư. Trạm đã lập hồ sơ quản lý sức khoẻ cá nhân cho 100% các cụ từ 80 tuổi trở lên. Ngoài ra, Trạm cũng quản lý 100% những người khuyết tật tại cộng đồng.

Đặc biệt, tại Trạm Y tế vào hai ngày 25-26 hàng tháng sẽ có bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương về hỗ trợ theo dự án đào tạo chăm sóc sức khoẻ ban đầu nhi khoa.

Đến tái khám sau điều trị ung thư vú, bà Bùi Thị Nhung (56 tuổi) cho biết, nhân viên y tế với người dân quanh đây như người nhà. Bà Nhung tháng nào cũng ra trạm y tế tái khám, có lần quên đi khám, đi đường gặp mặt nhân viên lại nhắc nhở bà ra khám.

"Chúng tôi chỉ muốn khám gần nhà, được điều trị gần nhà nhưng nhiều thuốc không có trong danh mục bảo hiểm y tế. Vì thế, chúng tôi phải đi taxi đến phòng khám ở Tam Điệp, mất cả 100 - 150 nghìn một lần đi khám. Vì thế, chúng tôi đề xuất với Bộ trưởng làm sao để trạm y tế được cấp phát thuốc BHYT thanh toán nhiều hơn", bà Nhung kiến nghị.

Một bệnh nhân khác bày tỏ mong muốn có thêm nhiều bác sĩ nhiều chuyên khoa khác nhau được cử về Trạm Y tế để người dân có điều kiện được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn.

Ghi nhận những tâm tư, mong muốn chính đáng của người dân, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thời gian tới sẽ tăng cường điều động, cử các bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới nhiều hơn, để người dân dễ dàng tiếp cận y tế chất lượng cao, phát hiện sớm các bệnh tật để tăng hiệu quả điều trị, tiết kiệm chi phí cho người dân.

Tiếp đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tới thăm, kiểm tra Trung tâm Y tế TP Tam Điệp, Ninh Bình. Bộ trưởng đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh; cải tiến thủ tục hành chính trong đón tiếp người bệnh, với bàn đón tiếp, tổ hướng dẫn người bệnh; Triển khai phần mềm quản lý bệnh viện; Thực hành tốt 5S, báo cáo sự cố y khoa… của Trung tâm Y tế TP Tam Điệp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng vẫn cho rằng, cơ sở vật chất tại khu khám bệnh chưa hợp lý, còn mái tôn rất nóng khiến người bệnh chưa thoải mái trong khi chờ đợi, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Do đó, Bộ trưởng đề nghị Trung tâm y tế TP Tam Điệp cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu đầu tư nguồn lực, cải tiến khu Khám bệnh, đáp ứng sự hài lòng của bệnh nhân.

Đừng "tham bát bỏ mâm"!

Đi thị sát tại khu Khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, Bộ trưởng ghi nhận không ít phản ánh của bệnh nhân về việc phải chờ đợi lâu khi đi khám. 

Bộ trưởng Bộ Y tế đau đầu tìm nguồn tài chính chi trả phát hiện bệnh ngay khi còn là “người khoẻ” - 2

BS Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho hay, đến nay bệnh viện đã phát triển nhiều kỹ thuật nhưng bệnh viện chưa thu hút được lượng bệnh nhân là người có điều kiện kinh tế đến điều trị.

Về điều này, Bộ trưởng đặt ngược lại câu hỏi, liệu bệnh viện tuyến tỉnh có "tham bát bỏ mâm" hay không, khi chỉ mới tập trung khám chữa bệnh BHYT thông thường mà chưa thật sự tập trung phát triển chuyên môn sâu, cao, khiến bệnh nhân vượt tuyến lên Trung ương khám, thậm chí ra nước ngoài.

Bộ trưởng cho rằng bệnh viện Đa khoa tỉnh cần phát triển chuyên môn cao, đặc biệt các bệnh về tim mạch, ung thư, chấn thương chỉnh hình…, lúc đó mới thu hút, níu chân bệnh nhân ở lại Ninh Bình, thậm chí các tỉnh khác, đến khám, điều trị.

Ngoài ra, Bộ trưởng gợi ý Ninh Bình về phát triển nhân lực chất lượng cao theo bài học của TP Hà Nội là đào tạo bác sĩ nội trú theo địa chỉ cụ thể.

Trước những kiến nghị của người dân, Bộ trưởng đề nghị Sở Y tế Ninh Bình cần làm việc với Bảo hiểm xã hội tỉnh để khắc phục những tồn tại thiếu thuốc tại hệ thống y tế cơ sở. Vì theo thông tư 39, trạm y tế xã còn được tiêm insulin chữa tiểu đường.

Bộ trưởng Bộ Y tế đau đầu tìm nguồn tài chính chi trả phát hiện bệnh ngay khi còn là “người khoẻ” - 3

Bộ trưởng cũng đề nghị bệnh viện phải đầu tư phát triển hơn nữa, đảm bảo xanh - sạch - đẹp. "Khám chữa bệnh ngày càng hội nhập, vào bệnh viện phải sạch đẹp như cảm giác bước chân vào khách sạn", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng bày tỏ băn khăn trong việc tìm nguồn tài chính trong chăm sóc sức khoẻ người dân ngay từ khi còn khoẻ mạnh.

"Cần giáo dục cho người dân chế độ ăn uống như thế nào để chống béo phì, hạn chế cholesterol máu, tập thể dục ra sao, chăm sóc sức khoẻ tình dục như thế nào? Người dân cần được xét nghiệm sớm phát hiện tiểu đường. Ở các nước lĩnh vực này đều có ngân sách chi trả. Còn tại Việt Nam hiện chưa tìm ra nguồn ngân sách chi trả những hoạt động này. Riêng tại Nội Nội, chủ tịch thành phố đã bỏ ra khoản chi phí lớn sàng lọc xét nghiệm phát hiện sớm ung thư đại trực tràng, với tỉ lệ phát hiện bệnh lên tới 20%", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Tiến cho biết thêm, hiện Việt Nam đang thí điểm tại 26 tỉnh, người dân được xét nghiệm sinh hoá, huyết học mỗi năm một lần, được siêu âm, sàng lọc trước sinh và sau sinh.

Hồng Hải