1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bỏ tiền triệu ăn lợn rừng, lợn mán vẫn bị hoại tử tay chân

Nhiều người dân có niềm tin mãnh liệt rằng ăn tiết canh lợn sạch, lợn rừng, lợn nhà nuôi không lo mắc bệnh, song đây quan niệm hoàn toàn sai lầm.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trong năm qua, cả nước ghi nhận 77 trường hợp mắc liên cầu lợn, trong đó có 6 trường hợp tử vong, trong đó 2 trường hợp ở Thái Nguyên, còn lại các tỉnh Trà Vinh, Lai Châu, Bà Rịa Vũng Tàu, Hoà Bình, mỗi tỉnh 1 trường hợp. So với năm 2017, số tử vong đã giảm 8 trường hợp, số mắc giảm 87 ca.

Tuy nhiên PGS Phu cho biết, vào những tháng cuối năm và đầu năm Tết Nguyên đán, số ca mắc liên cầu tăng mạnh do nhiều nơi mổ lợn ăn Tết, đụng lợn.

Theo kết quả điều tra dịch tễ, 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh, số còn lại do ăn nem chạo sống, thịt lợn tái, do tiếp xúc, giết mổ lợn.

Mới nhất, BV đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận nam bệnh nhân Mai Văn M., 61 tuổi, bị biến chứng hết sức nặng nề do nhiễm liên cầu lợn.

Bỏ tiền triệu ăn lợn rừng, lợn mán vẫn bị hoại tử tay chân - 1


Gia đình cho biết, trước khi vào viện 2 ngày, ông M. có giết mổ lợn nhà để mời mọi người liên hoan cuối năm, trong đó có món tiết canh. 2 ngày sau bữa tiệc, ông M. xuất hiện mệt mỏi, sốt, đau bụng và đi ngoài phân lỏng.

Sau khi nhập viện, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào trạng thái sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, rối loạn đông máu, toan chuyển hoá nặng, suy đa phủ tạng. Dù được điều trị tích cực, lọc máu liên tục song tình trạng quá nặng nên bệnh nhân đã tử vong.

Từ trường hợp của ông M., Cục trưởng Y tế dự phòng nhấn mạnh, người dân thường có quan điểm cho rằng lợn do gia đình nuôi, lợn thả rông như lợn rừng, lợn mán là lợn sạch, có thể yên tâm ăn tiết canh. Song đây là suy nghĩ sai lầm.

“Giống lợn nào cũng có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn. Tỉ lệ mang mầm bệnh liên cầu khuẩn không triệu chứng trong một đàn lợn luôn ở mức 60%-100%”, ông Phu nhấn mạnh.

Cục trưởng Y tế dự phòng giải thích thêm, vi khuẩn liên cầu thường cư trú ở vùng họng của lợn, tuy nhiên bệnh chỉ phát tác trên những con lợn có miễn dịch yếu, chủ yếu gây viêm phổi hoặc nhiễm trùng huyết ở lợn, khi đó người dân mới phát hiện được bất thường.

Số còn lại trở thành lợn lành mang mầm bệnh, trong máu và thịt vẫn chứa vi khuẩn nhưng bằng mắt thường không thể biết. Do đó người dân khi ăn thịt, tiết canh chưa chín vẫn nhiễm bệnh như thường.

Sai lầm nữa của người Việt là thường nghĩ ăn tiết canh rồi uống rượu thì không lo mắc bệnh do rượu là axit, uống vào sẽ diệt được vi khuẩn liên cầu.

Điều trị tốn kém, 40% có di chứng

Lợn mang liên cầu khuẩn là nguồn lây nhiễm trực tiếp sang người khi ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín hoặc do tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da, đặc biệt những người giết mổ, chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, chế biến thực phẩm…

Thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn có thể vài tiếng đến 4 - 5 ngày, thậm chí có người bị bệnh sau 1-2 tuần.

BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới cho biết, bệnh liên cầu lợn gồm 3 thể: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai.

Bệnh diễn tiến rất nhanh, tỉ lệ tử vong có thể lên tới 20%. Nếu chữa khỏi, 40% vẫn để lại di chứng nặng nề, phổ biến nhất là điếc và các di chứng thần kinh, nhiều trường hợp phải cắt cụt tay, chân.

BS Cấp cho biết, khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, đi ngoài (nhưng không đi nhiều lần) khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa. Người bệnh cũng có biểu hiện tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, bệnh nhân sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết khiến tay chân hoặc toàn thân tím, đen.

Một số trường hợp nguy kịch có diễn biến nhanh và nặng với biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, rối loạn đông máu…

Bệnh có thể điều trị bằng kháng sinh, tuy nhiên thời gian điều trị thường kéo dài với những loại kháng sinh đặc trị liều cao và phải sử dụng nhiều biện pháp hỗ trợ khác như lọc máu, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn.

Nếu bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ có thể phải nằm viện điều trị ít nhất 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng.

Đáng lưu ý, sau khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh vẫn hoàn toàn có thể mắc lại lần sau do bệnh không để lại miễn dịch lâu dài trong cơ thể người.

Đến nay cũng chưa có vắc xin phòng bệnh, vì vậy cách phòng bệnh hiệu quả nhất là tuyết đối không ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…). Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

Theo Thúy Hạnh

Vietnamnet

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm