1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bổ sung vitamin nhóm B: không thể tùy tiện

Vitamin là những thành phần thiết yếu cho cơ thể trong quá trình chuyển hóa của cơ thể, nhưng cơ thể lại không thể tự sản xuất được.

Vitamin là những thành phần thiết yếu cho cơ thể trong quá trình chuyển hóa của cơ thể, nhưng cơ thể lại không thể tự sản xuất được. Khi thiếu vitamin nhóm B có thể gây ra nhiều rối loạn. Vậy khi nào cần bổ sung vitamin này?

Vitamin B1

Vitamin B1 hay thiamine có vai trò trong quá trình chuyển hoá carbohydrate, mỡ, acid amine, đường, rượu. Nếu thiếu loại vitamin này sẽ giảm khả năng chuyển hóa đường (glucose) và hậu quả là giảm năng lượng. Sự thiếu hụt vitamin B1 còn gây ra sự rối loạn trong việc dẫn truyền thần kinh, gây phù nề các tổ chức và giảm khả năng sử dụng ôxy (O2) của tế bào. Cơ tim, thần kinh, gan, thận, cơ bắp... là những tổ chức có nhu cầu cao về vitamin B1. Vì vậy, nếu thiếu hụt cấp tính, triệu chứng suy cơ tim cấp xuất hiện đầu tiên, còn các triệu chứng khác xuất hiện từ từ hoặc chỉ xuất hiện rõ khi thiếu vitamin B1 mạn tính.

Thiếu vitamin B1 cũng thường gặp hơn ở các nước dùng gạo xay xát kỹ làm lương thực chính. Ở những người ăn uống kém, người nghiện rượu, người mắc một số bệnh mạn tính. Người lao động nặng do tiêu hao năng lượng, người cao tuổi do ăn uống kém cũng dễ bị thiếu vitamin B1.

Người bị thiếu vitamin B1 giai đoạn đầu thấy chán ăn, bực bội, thờ ơ và người mệt mỏi. Nếu thiếu vitamin B1 nặng, kéo dài gây ra bệnh tê phù (BeriBeri). Hội chứng Wernicke-Korsakoff là một hội chứng thần kinh - tinh thần cũng hay gặp ở bệnh nhân nghiện rượu gây thiếu vitamin B1 nặng, kéo dài.

Khi phát hiện thiếu vitamin B1 phải điều trị càng sớm càng tốt. Có thể tiêm hoặc uống vitamin B1, đồng thời thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất để hỗ trợ điều trị. Muốn phòng bệnh cần ăn gạo không xay xát quá kỹ; chọn các thực phẩm giàu vitamin B1 trong thực đơn hằng ngày như đậu, rau, thịt, cá trứng, sữa; hạn chế uống rượu, thường xuyên bổ sung vitamin B1 cho người nghiện rượu.

Bổ sung vitamin nhóm B: không thể tùy tiện - 1

Bổ sung vitamin nhóm B cũng phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

Vitamin B2

Vitamine B2 hay riboflavin cũng đóng vai trò trong chuyển hoá carbohydrate và protein đồng thời giúp bảo toàn toàn vẹn màng tế bào. Khi thiếu vitamin B2 sẽ có các biểu hiện: tổn thương da (viêm da, nứt kẽ ở mặt, nhất là nơi cánh mũi, trên tai hay đuôi lông mày), niêm mạc (môi đỏ bất thường, trơn sáng và khô, đôi khi bị rỉ nước), nứt mép, viêm miệng và viêm lưỡi, sợ ánh sáng hoặc chảy nước mắt, đục giác mạc, mặt bị sung huyết. Thiếu vitamin B2 nặng có thể ảnh hưởng đến gan, gây hôn mê, hạ đường huyết, đột tử, co giật, rối loạn tri giác.

Khi có biểu hiện thiếu vitamin B2 cần được bổ sung bằng thuốc, đặc biệt là đối với phụ nữ mắc bệnh chuyển hóa vitamin B2 bất thường. Ngoài ra, có thể bổ sung vitamin B2 trong bữa ăn hằng ngày qua các thực phẩm tự nhiên như: gan, trứng, nấm, yaourt, thịt, bánh mì toàn phần, rau xanh.

Vitamin B3

Vitamin B3 hay còn gọi là vitamin PP (niacin) là một vitamin tham gia trong quá trình chuyển hoá tế bào và carbohydrate, nó cũng tham gia trong phản ứng giảm ôxy hoá. Thiếu niacin sẽ gây ra bệnh Pellagra bao gồm viêm da, nhất là những phần tiếp xúc với không khí và ánh sáng bị đỏ sẫm, đối xứng khiến cho da bị thâm, phù, bóc vảy, khô ráp và viêm lưỡi. Rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương với triệu chứng mê sảng, ảo giác, lú lẫn, trầm cảm. Rối loạn tiêu hóa hay gặp ở trẻ nhỏ, biểu hiện thường là các viêm niêm mạc miệng, niêm mạc đường tiêu hóa cùng với viêm dạ dày kèm theo tiêu chảy hoặc chảy máu trực tràng.

Ngoài những người mắc bệnh di truyền và dùng thuốc kéo dài gây thiếu vitamin B3 thì phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ suy dinh dưỡng hoặc kém hấp thu dinh dưỡng, những người nghiện rượu dễ bị thiếu vitamin B3. Vì vậy, trong khẩu phần ăn hằng ngày phải đảm bảo cung cấp lượng vitamin B3 cần thiếu cho cơ thể. Các loại thức ăn có nguồn gốc động vật (thịt, cá, tôm, cua, ếch...); thức ăn có nguồn gốc thực vật (đậu tương, đậu xanh, đậu cô ve, lạc, vừng); các loại rau (rau ngót, giá đỗ, cải xanh, rau dền đỏ, rau bí...) là những thực phẩm giàu vitamin B3.

Vitamin B6

Vitamin B6 là chất tham gia trong sự chuyển hoá nitrogen, sinh tổng hợp acid nucleic. Nó cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa protid, lipid, glucid và tổng hợp một số chất dẫn truyền thần kinh. Việc thiếu nhóm vitamin B6 sẽ gây ra các cơn động kinh, thiếu máu, bệnh lý thần kinh.

Nếu người lớn ăn uống đầy đủ chất trong bữa ăn thì ít gặp phải tình trạng thiếu vitamin B6. Có thể lựa chọn những thực phẩm giàu vitamin B6 như: ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, cà chua, chuối, ngô, táo, nho, dứa, cam, gan, thịt, trứng, cá... Tuy nhiên, nếu để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh hay chế biến ở nhiệt độ cao thì hàm lượng vitamin B6 sẽ bị làm giảm đáng kể.

Vitamin B9

Acid folic hay vitamin B9 làm trưởng thành tế bào hồng cầu thông qua việc tổng hợp purine, pyrimidines, đồng thời nó cũng tham gia trong sự phát triển methionine của hệ thần kinh bào thai. Việc thiếu acid folic là nguyên nhân gây ra các bệnh thiếu máu hồng cầu to, khiếm khuyết ống thần kinh bào thai và lú lẫn tinh thần. Khi cơ thể thiếu vitamin B9 có các triệu chứng: giảm trí nhớ, bị thiếu máu, suy nhược, da nứt... cũng có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như tim đập nhanh, dị tật bào thai, bệnh loãng xương, ung thư ruột và giảm bạch cầu, thậm chí có thể dẫn tới vô sinh.

Việc bổ sung acid folic phải được thực hiện dưới sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ trong điều trị thiếu máu ác tính nguyên hồng cầu khổng lồ. Vì triệu chứng thiếu acid folic dễ che lấp triệu chứng thiếu hụt vitamin B12 nên thường người ta dùng B12 trước để điều trị thiếu máu ác tính, nếu không hiệu quả sẽ chuyển sang dùng acid folic.

Nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin B9: gan, thận, rau xanh, phô mai, nấm, các loại đậu, súp lơ, cam, chuối, gạo, men bia...

Vitamin B12

Mặc dù nhóm vitamin ít hay nhiều đều tham gia vào quá trình sinh tổng hợp, chuyển hoá các chất quan trọng trong sự hình thành tế bào. Nhưng chỉ có nhóm vitamin B12 là tham gia vào việc sửa chữa, tái tạo thần kinh ngoại biên. Một ảnh hưởng quan trọng của thiếu B12 trên hệ thần kinh là làm mất myelin của các sợi thần kinh lớn của tuỷ sống.

Thiếu vitamin B12 dẫn đến thiếu cobalamine và là nguyên nhân gây ra các bệnh lý thần kinh ngoại biên. Thiếu hụt vitamin B12 cũng liên quan đến bệnh lý thần kinh tiểu đường. Ở những bệnh nhân tiểu đường sự thiếu hụt vitamin này có thể là do chính căn bệnh tiểu đường hay do việc sử dụng các thuốc điều trị đường huyết như metformine. Ở những bệnh nhân suy thận, bệnh lý thần kinh ngoại biên cũng là do sự thiếu hụt vitamin B12.

Vitamin B12 có nhiều trong thức ăn động vật như trứng, thịt cừu, thịt gà. Ngoài ra, các loại thực phẩm như sữa, sữa chua, nấm cũng chứa hàm lượng cao vitamin này. Khi bổ sung bằng thực phẩm mà cơ thể vẫn thiếu vitamin B12 thì cần phải bổ sung bằng thuốc. Việc uống thuốc cần phải được bác sĩ chỉ định.

Theo BS. Nam Anh

Sức khỏe & Đời sống