Bộ phận của lợn tích tụ nhiều chất độc, nguy cơ nhiễm khuẩn cao

Minh Nhật

(Dân trí) - Người dân nên mua lòng lợn tại những địa điểm uy tín, lựa chọn lòng từ các con vật khỏe mạnh, và sơ chế thật sạch trước khi chế biến. Dù là ruột non hay ruột già, cũng nên hạn chế lượng tiêu thụ.

Lòng lợn là một món ăn khoái khẩu với nhiều người Việt, nhưng cũng đồng thời tiềm ẩn những tác động tiêu cực đối với sức khỏe.

BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, phân tích trong phần ruột non của lợn chứa nhiều dưỡng chất như: protein, chất béo, vitamin và khoáng chất, song cũng không thể phủ nhận sự hiện diện của các chất độc hại từ môi trường hoặc thức ăn của lợn.

"Đặc biệt, khi quá trình nuôi và chế biến không đảm bảo tiêu chuẩn, nguy cơ về nhiễm tạp chất càng tăng cao", BS Thiệu cho hay.

Bộ phận của lợn tích tụ nhiều chất độc, nguy cơ nhiễm khuẩn cao - 1

Lòng lợn là một món ăn khoái khẩu với nhiều người Việt, nhưng cũng đồng thời tiềm ẩn những tác động tiêu cực đối với sức khỏe (Ảnh: Hồng Hải).

Trong khi đó, ruột già của lợn là nơi chứa chất thải từ quá trình tiêu hóa. Do đó, đây là bộ phận tiềm ẩn nhiều nguy cơ chứa chất bẩn, độc hại hơn.

Ngoài ra, nếu ăn phải gan lợn không đảm bảo vệ sinh hoặc không chế biến chín, người dân có nguy cơ bị nhiễm độc Aflatoxin cao. Đây là chất có khả năng gây ung thư gan ở người.

Một căn bệnh đáng sợ hơn đó là nhiễm liên cầu khuẩn Streptococcus suis, loại vi khuẩn này thường bám trong máu (tiết), lòng ruột nội tạng và thịt lợn.

"Không kể chúng ta ăn loại lòng lợn nào, việc quan tâm đến an toàn và vệ sinh thực phẩm là yếu tố phải đặt lên hàng đầu, bởi cả lòng non và lòng già đều tiềm ẩn rủi ro đối với sức khỏe", BS Thiệu phân tích.

Chuyên gia này khuyến cáo rằng, người dân nên mua lòng lợn tại những địa điểm uy tín, lựa chọn lòng từ các con vật khỏe mạnh, và sơ chế thật sạch trước khi chế biến. Dù là ruột non hay ruột già, cũng nên hạn chế lượng tiêu thụ.

Khi chế biến, các gia đình cần đảm bảo lòng lợn được nấu chín hoàn toàn, sử dụng nhiệt độ cao và thời gian nấu đủ để diệt khuẩn, giun sán có thể tồn tại.

Nên chế biến và thưởng thức nóng để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn. Nếu không dùng ngay, nên bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ phù hợp để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.

"Các loại thực phẩm giàu chất đạm như lòng là môi trường rất lý tưởng để các loại vi khuẩn gây ngộ độc sinh sôi. Do đó, dù đã nấu chín nhưng để ngoài môi trường thời gian dài cũng rất dễ bị nhiễm khuẩn", BS Thiệu nói.

Ngoài ra, việc tiêu thụ lòng lợn cần được hạn chế hoặc tránh đối với một số nhóm người như sau:

- Người mắc bệnh gout: Lượng axit uric tăng cao trong máu do lòng lợn có thể gây ra cơn đau và sưng khớp.

- Người có vấn đề về tim mạch hoặc mỡ máu cao: Cholesterol cao trong lòng lợn có thể gây ra tăng mỡ máu.

- Người tiêu hóa kém: Chất béo trong lòng lợn khó tiêu hóa, không phù hợp với người có vấn đề về tiêu hóa.

- Người béo phì hoặc thừa cân: Lượng calo cao trong lòng lợn không phù hợp với người có vấn đề về cân nặng.

- Người mắc bệnh viêm gan: Việc tiêu thụ lòng lợn có thể gây quá tải cho gan, đặc biệt là trong trường hợp gan không hoạt động tốt. Đặc biệt lưu ý với những người bị xơ gan, viêm gan, ung thư gan, gan nhiễm mỡ thì không nên ăn lòng quá thường xuyên.

- Phụ nữ mang thai: Nên tránh ăn các món từ lòng lợn để đề phòng nguy cơ nhiễm khuẩn và các loại virus, ký sinh trùng (giun, sán) có thể ảnh hưởng đến thai nhi.