“Bộ đôi vàng” để ung thư đường ruột tránh xa khỏi cơ thể chúng ta
(Dân trí) - Công thức dinh dưỡng có sự kết hợp giữa lợi khuẩn: Probiotics và nguồn thức ăn của chúng có thể mang đến hiệu quả đáng kể trong việc cân bằng hệ vi sinh đường ruột, đồng thời phòng và chữa trị nhiều bệnh lý nghiêm trọng, trong đó có ung thư đại trực tràng.
Như chúng ta đã biết, Probiotic là các vi sinh vật sống có tác dụng lên men một số loại thực phẩm. Bên trong đường ruột của chúng ta, những loại vi khuẩn này chính là một trong những nhân tố chủ chốt, tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn của con người. Bên cạnh đó, sự hiện diện của lợi khuẩn cũng giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, kiểm soát các vi sinh vật gây bệnh và hỗ trợ quá trình sản xuất một số loại vitamin. Một số ví dụ điển hình về Probiotics là: chi vi khuẩn Lactobacillus và Bifidobacterium hoặc loại nấm men có ích Saccharomyces boulardii.
Ngày nay, nhiều loại thực phẩm, đặc biệt là sữa chua được bổ sung thêm các loại lợi khuẩn, giống hoặc tương tự như các lợi khuẩn sẵn có trong đường ruột của chúng ta.
Khác với Probiotic, Prebiotic là một thuật ngữ còn khá mới mẻ với nhiều người. Hiểu một cách đơn giản Prebiotic chính là thức ăn thiết yếu cho sự phát triển của lợi khuẩn trong cơ thể. Về bản chất Prebiotic là một loại chất xơ tiêu hóa được có trong các thực phẩm giàu chất xơ. Khi được nạp vào cơ thể, Prebiotics không bị phân giải bởi các enzyme tiêu hóa. Thay vào đó, nó sẽ đi thẳng xuống ruột già. Tại đây, vi khuẩn đường ruột sẽ lên men Prebiotic, trong quá trình này đồng thời tạo ra các dưỡng chất thiết yếu cho sức khỏe hệ tiêu hóa, điển hình như các acid béo chuỗi ngắn (acetate, butyrate và propionate) có thể tăng cường hoạt động trao đổi chất và ngăn ngừa nguy cơ ung thư.
Nguồn cung cấp Prebiotics tốt nhất là các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật giàu chất xơ, bao gồm: trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên cám, họ đậu.
Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Luxembourg đã tiến hành nghiên cứu về sự tương tác giữa Chế độ ăn – Hệ vi sinh – Vật chủ, bằng cách sử dụng mô hình mô phỏng ruột trong phòng thí nghiệm có tên HuMiX. Mô hình này cho phép các tế bào đường ruột có thể nuôi cấy cùng với vi khuẩn, bắt chước điều kiện trong hệ đường ruột của chúng ta.
Từ các nghiên cứu trước, chúng ta đã biết rằng, chế độ ăn ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột. Đặc biệt, thói quen ăn uống có tác động phức tạp đến các tương tác trong quá trình trao đổi chất, vừa có thể làm tăng hoặc làm giảm rủi ro mắc bệnh ung thư. Trong đó, các loại thực phẩm giàu chất xơ được cho là có thể làm giảm khả năng mắc một số bệnh ung thư nhất định. Tuy nhiên, cơ chế tạo nên khả năng này vẫn còn khá mơ hồ.
Quay trở lại nghiên cứu của đại học Luxembourg, khi tiến hành thí nghiệm ảnh hưởng của các chế độ ăn lên tế bào. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, chế độ ăn kết hợp Probiotics và Prebiotics (được gọi là Synbiotics) mang đến nhiều lợi ích đáng kinh ngạc. Đặc biệt, Synbiotics làm giảm biểu hiện của những gen có liên quan đến ung thư đại trực tràng và kháng thuốc. Bên cạnh đó, Synbiotics còn được ghi nhận là có khả năng làm giảm lượng lactate, một loại chất chuyển hóa tiền ung thư.
Cũng trong thí nghiệm, nhóm nghiên cứu nhận thấy mỗi chế độ ăn lại dẫn đến một tỉ lệ khác nhau của chất hữu cơ và axit béo chuỗi ngắn được sản xuất bởi vi khuẩn. Khi sử dụng hỗn hợp các phân tử được tạo ra bởi chế độ ăn Synbiotics để xử lý các tế bào ung thư đại trực tràng, kết quả cho thấy hỗn hợp này đã kìm hãm khả năng tự làm mới của các tế bào ung thư.
Từ những kết quả khả quan trên, nhóm nghiên cứu kết luận rằng, chế độ ăn có bao gồm Synbiotics mang lại lợi ích lớn trong việc phòng và điều trị ung thư đại trực tràng.
Minh Nhật