Bỏ dở điều trị, người phụ nữ mất con, trả giá bằng cả tính mạng bản thân
(Dân trí) - 2 tháng sau khi được chẩn đoán mắc lao, thai phụ 33 tuổi ở Bắc Giang nhập viện trong tình trạng rất nặng, bác sĩ không thể cứu được hai mẹ con. Mọi chuyện có thể đã khác nếu chị duy trì điều trị.
Bệnh nhân là chị H.T.N (33 tuổi), có thai 27 tuần tuổi, ở Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Theo bác sĩ, đây thực sự là một điều đáng tiếc khi cả mẹ và thai nhi trong bụng đều không qua khỏi vì một căn bệnh đã có thể điều trị được.
Cách đây 2 tháng trước, chị N. bị đau bụng được phẫu thuật tại một bệnh viện của Hà Nội với chẩn đoán căn nguyên do lao ruột. Sau đó, chị được chuyển tới Bệnh viện Phổi trung ương. Tại đây, bác sĩ phát hiện chị có thai 24 tuần, bị lao phổi/lao ruột, có thai 24 tuần tuổi.
Sau một thời gian điều trị, Bệnh viện đã chuyển bệnh nhân và hướng dẫn quản lý điều trị tiếp tục lao tại địa phương. Tuy nhiên vì những khó khăn, rào cản từ phía cá nhân, gia đình, chị N. đã không duy trì dùng thuốc theo đúng hướng dẫn, dẫn đến bệnh tiến triển sang lao màng não.
TS Nguyễn Kim Cương, Trường khoa Lao hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), bệnh nhân nhập viện lại sau 2 tháng thì tình trạng đã nặng nặng, li bì, khó tiếp xúc, thai 27 tuần tuổi tình trạng thai nhi bình thường. Sau đó, bệnh nhân diễn biến nặng thêm, rơi vào hôn mê sâu, suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy kiệt, nhiễm trùng phổi.
Bệnh nhân đã được thở máy tại khoa Hồi sức tích cực, với hy vọng có thể cứu được cả mẹ và con. Sau đó, thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ. Bệnh viện đã mời bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương sang hỗ trợ.
Bệnh nhân chuyển dạ tự nhiên một bé trai, suy hô hấp vì sinh non. Trẻ được chuyển tới Bệnh Phụ sản Trung ương điều trị. Tuy nhiên, do tuổi thai quá nhỏ, tình trạng nhiễm trùng, suy hô hấp năng nên em bé cũng không qua khỏi. Người mẹ cũng diễn biến xấu trong ngày tiếp theo nên gia đình xin đưa về trong tình trạng nặng.
“Đây thực sự là một trường hợp đáng tiếc. Lẽ ra chúng ta đã có thể cứu được cả mẹ và cháu nếu bệnh nhân trước đó có thể duy trì việc điều trị bệnh lao”, TS Cương nói.
Theo TS Cương, người mẹ vào viện ở trong tình trạng suy kiệt thể chất, lao phổi, lao màng não. Nguyên nhân do không duy trì điều trị thuốc lao trước đó.
Lao là một bệnh nhiễm trùng, do vi khuẩn lao Mycobacteria tuberculosis. Không được phát hiện điều trị kịp thời, biến chứng có thể lao từ một cơ quan thành nhiều cơ quan. Như trường hợp bệnh nhân trên, khởi đầu bệnh nhân được phát hiện lao phổi/lao ruột nhưng sau đó không duy trì điều trị, cộng với tình trạng thai nghén là yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng phát triển bệnh lao, dẫn tới lao tiến triển nặng ở cả phổi, lao ở cơ quan khác là lao màng não, hôn mê, suy hô hấp như trên, TS Cương cho biết.
Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao đứng thứ 13 trên thế giới. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các cơ quan, hay gặp nhất ở phổi, ngoài ra còn ở các cơ quan khác. Lao màng não là thể lao nặng nhất, tỷ lệ tử vong, di chứng cao so với các thể lao khác. Lao ruột ít gặp, song ảnh hưởng nặng nề tới tình trạng hấp thu dinh dưỡng của bệnh nhân.
Biểu hiện của lao phổi thường là ho khạc đờm kéo dài, ho ra máu, gầy sút cân, vã mồ hôi về đêm, sốt nhẹ về chiều. Với lao ruột người bệnh có thể có các triệu chứng như đau bụng âm ỉ, rối loạn tiêu hóa, rối loạn đại tiện... Lao màng não biểu hiện bằng sốt cao, đau đầu, nôn, buồn nôn, liệt các dây thần kinh vận động mắt, cơ mặt...
Trong nhiều trường hợp, các dấu hiệu bệnh không rõ ràng, làm cho người bệnh, người nhà không chú ý. Các dấu hiệu này cũng có thể dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường đường hô hấp, tiêu hóa, thần kinh. Vì thế, kể các bác sĩ cũng có thể bỏ sót nếu không nghĩ tới bệnh lao.
Nếu được phát hiện sớm, khả năng khỏi bệnh với những trường hợp lao do vi khuẩn nhạy cảm thuốc lên tới 95%, lao kháng đa thuốc tỷ lệ khỏi cũng lên tới 65%-70%.
Hà An