Bình Định: Bùng phát dịch sốt xuất huyết ở phố

(Dân trí) - Trong khi huyện vùng cao An Lão (Bình Định), nơi mà kiến thức người dân còn hạn chế về phòng chống sốt xuất huyết chỉ ghi nhận 4 ca, thì SXH lại bùng phát mạnh ở TP Quy Nhơn, với hơn 726 ca, chiếm gần 1/3 số ca mắc bệnh toàn tỉnh.

Ngày 25/12, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, ông Nguyễn Thanh Tùng yêu cầu Sở Y tế Bình Định tập trung mọi biện pháp quyết liệt phòng chống dịch sốt xuất huyết, quyết tâm kiềm chế, kiểm soát tiến tới dập tắt dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.


Bình Định là tỉnh thứ 3 có số ca bị sốt xuất huyết cao nhất các tỉnh miền Trung 

Bình Định là tỉnh thứ 3 có số ca bị sốt xuất huyết cao nhất các tỉnh miền Trung 

Theo ông Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết, tính đến ngày 23/12/2015, toàn tỉnh ghi nhận được 2.407 cá mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 1 ca tử vong ở huyện Hoài Nhơn. Các trường hợp mắc bệnh ở tất cả 11 huyện, thị, thành phố trong tỉnh, trong đó các địa phương có ca mắc bệnh cao: TP Quy Nhơn (726 ca), huyện Phù Cát (257 ca), Vân Canh (282 ca), Hoài Nhơn (232 ca), Phù Mỹ 222…, địa phương mắc ít nhất là huyện An Lão chỉ 4 trường hợp.

Các ca bệnh tăng nhanh từ tháng 10 đến nay, phân bổ trên diện rất rộng, xuất hiện nhiều ổ dịch nhỏ, trung bình một ngày có khoảng 25 -30 trường hợp mắc bệnh trên toàn tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh lưu hành cả 4 tuýp vi rút Dengue (D1, D2, D3 và D4), trong đó tuýp vi rút D2 là tuýp gây bệnh rất nặng. Đặc điểm năm nay, các ca bệnh xuất hiện nhiều ổ dịch nhỏ từ 3-5 trường hợp trong một ổ dịch nên rất khó khăn trong việc xử lý.

Ông Hùng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến số ca mắc SXH tăng nhanh là do nhận thức của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh còn hạn chế, việc tự giác kiểm tra và loại trừ muỗi, bọ gậy của cộng đồng còn yếu, khi mắc bệnh chưa đưa đến cơ sở y tế kịp thời. Việc tổ chức phun hóa chất diệt muỗi ở một số điểm chưa đạt yêu cầu; tỷ lệ hộ không được phun hóa chất chiểm khoảng 20-40%; số lần phun không đúng quy trình. Ngoài ra, yếu tố dẫn đến dịch lây lan nhanh là do điều kiện thời tiết xuất hiện nắng mưa xen kẽ, tạo điều kiện cho muỗi, bọ gậy phát triển mạnh.

Với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết và tính chu kỳ của dịch bệnh SXH kết hợp với các khó khăn, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch, dự báo trong thời gian tới số ca mắc SXH sẽ tiếp tục tăng và có thể kéo dài đến năm 2016.

“Hiện Sở cũng đang đề nghị Bệnh viện Nhi đồng 2 phối hợp hỗ trợ công tác chẩn đoán và điều trị các ca bệnh nặng đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, trên cơ sở đó tăng cường việc điều trị, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong do SXH xuất huyết gây ra”, ông Hùng nói.

Phun thuốc phòng dịch SXH tại TP Quy Nhơn (Bình Định)
Phun thuốc phòng dịch SXH tại TP Quy Nhơn (Bình Định)

Theo Sở Y tế Bình Định cho biết, hiện tỉnh là địa phương thứ 3 có số ca mắc SXH cao tại các tỉnh miền Trung. Trước diễn biến phức tạp này, UBND tỉnh Bình Định đã có công văn khẩn yêu cầu UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Y tế chủ động phối hợp, cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và nội dung tuyên truyền phòng chống dịch bệnh SXH cho các cơ quan thông tin đại chúng, các sở, ngành, đơn vị, địa phương, hội đoàn thể liên quan để thực hiện tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân biết, thực hiện.

Văn bản nhấn mạnh, các địa phương phải xác định trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch SXH; huy động các ngành, các cấp và cộng đồng dân cư triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, quyết tâm kiềm chế, kiểm soát tiến tới dập tắt dịch bệnh trên địa bàn.

Đối với Sở Tài chính, yêu cầu đặt ra là phối hợp với Sở Y tế cân đối, bố trí nguồn kinh phí bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch bệnh SXH của tỉnh theo quy định.

Doãn Công