Biển người đi tàu Cát Linh - Hà Đông: Chỉ một F0 cũng có thể bùng phát dịch

Minh Nhật

(Dân trí) - Theo chuyên gia, với không gian kín, các hạt hô hấp vẫn sẽ luẩn quẩn trong thời gian dài, khiến nhiều người hít phải hơn, làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

Nguy cơ lây nhiễm trong toa tàu là rất cao

Theo ghi nhận của Dân trí trong những ngày vừa qua, đặc biệt là ngày 7/11, rất nhiều người dân Thủ đô đã đến trải nghiệm đi tàu điện đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Tuy nhiên, việc người dân tập trung quá đông, không đảm bảo giãn cách khi trải nghiệm dịch vụ có thể khiến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.

Biển người đi tàu Cát Linh - Hà Đông: Chỉ một F0 cũng có thể bùng phát dịch - 1

Rất nhiều hành khách đi tàu trải nghiệm đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Ảnh: Đỗ Quân).

"Tình trạng đám đông chen chân trên tàu điện Cát Linh - Hà Đông thời gian vừa qua nói riêng và việc tụ tập đông người ở nơi công cộng nói chung là rất đáng báo động", đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, trong cuộc trao đổi với Dân trí sáng 8/11.

Chuyên gia này phân tích, việc quá nhiều người đi tàu khiến người dân không thể đảm bảo được khoảng cách an toàn. Cùng với đó, bên trong toa tàu là không gian kín có nguy cơ lây nhiễm cao gấp nhiều lần không gian mở. Do đó, chỉ cần có một F0 trong chuyến tàu này thì sẽ rất nguy hiểm, có thể làm bùng lên ổ dịch rất khó truy vết, kiểm soát.

"Không gian kín bên trong tàu cũng như ở máy bay, xe bus, siêu thị…, khả năng thông khí rất thấp. Trong khi đó, Covid-19 là bệnh lây qua đường hô hấp, khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi, thậm chí là thở, các hạt hô hấp chứa mầm bệnh nếu ở không gian mở sẽ được đẩy đi nhanh. Tuy nhiên, với không gian kín, các hạt hô hấp vẫn sẽ luẩn quẩn trong thời gian dài, khiến nhiều người hít phải hơn, làm tăng nguy cơ lây nhiễm", PGS Hùng nhấn mạnh.

Do đó, theo chuyên gia này, lực lượng chức năng cần sớm có giải pháp giới hạn số lượng người đi tàu trong mỗi chuyến để đảm bảo giãn cách. Cùng với đó, cần có lực lượng thường xuyên giám sát, nhắc nhở và xử phạt việc tuân thủ các nguyên tắc phòng chống dịch với hành khách và đơn vị chủ quản.

Dịch tại Hà Nội vẫn đang được kiểm soát

Về việc Hà Nội ghi nhận nhiều ca mắc trong thời gian 2 tuần trở lại đây, đỉnh điểm có ngày vượt 100 ca, theo PGS Hùng đây là tình huống đã được lường trước.

Biển người đi tàu Cát Linh - Hà Đông: Chỉ một F0 cũng có thể bùng phát dịch - 2

PGS Hùng cho hay: "Việc số F0 tại Hà Nội gia tăng sau khi nới lỏng không có gì lạ khi dịch đã ngấm sâu rộng vào cộng đồng. Nếu tính ra tỷ lệ số F0/100.000 dân thì Hà Nội vẫn mới ở cấp độ thứ 2. Dịch vẫn sẽ được kiểm soát nếu vẫn thực hiện tốt các biện pháp phát hiện sớm, truy vết, khoanh vùng, dập dịch".

Tuy nhiên, cũng theo ông, số F0 tăng nhanh cũng là tín hiệu cảnh báo để chính quyền thành phố đẩy mạnh việc bao phủ vaccine. Đặc biệt là với những người có nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền.

Vấn đề tiếp theo là Hà Nội cần kiểm tra giám sát những nơi tụ tập đông người. Chú trọng những nơi nếu dịch xảy ra sẽ khó kiểm soát, khó truy vết.

Nhắc nhở người dân tuân thủ nghiêm quy định chống dịch, khuyến cáo người già, người có bệnh nên hạn chế ra ngoài, tiếp xúc.

"Ngành y tế phải tiếp tục chuẩn bị cơ sở điều trị, đặc biệt là hệ thống hồi sức cấp cứu, để điều trị các ca bệnh nặng. Phải đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, xem xét lại các trang thiết bị, máy móc, phương tiện phòng chống dịch để sẵn sàng đáp ứng cho tình huống xấu nhất là dịch bùng phát trên diện rộng", PGS Hùng cho hay.

Sớm giải quyết bài toán "sợ cách ly"

"Sợ cách ly tập trung", theo đánh giá của PGS Hùng là một tình trạng khá phổ biến hiện nay.

"Người dân sợ đi cách ly tập trung, bên cạnh nguy cơ lây nhiễm chéo, thì một nguyên nhân khác là sự phiền hà, ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của bản thân và gia đình. Đặc biệt là với những trường hợp trẻ em và người già phải đi cách ly tập trung sẽ khiến người nhà rất không an tâm", PGS Hùng nêu quan điểm, "Chính tâm lý ngại cách ly tập trung sẽ khiến một bộ phận người dân hạn chế khai báo dù có yếu tố dịch tễ. Việc này vô tình khiến dịch dễ âm thầm lan ra cộng đồng".

Theo chuyên gia này, thành phố cần sớm có biện pháp cho những F1 có đủ điều kiện về nơi ở được phép cách ly tại nhà.

Cùng với đó, các F0 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng cũng nên được cách ly và điều trị tại nhà, vừa hạn chế ảnh hưởng đến người dân, vừa tránh tình trạng quá tải hệ thống y tế.

"Hiện tại tỷ lệ người dân Hà Nội được tiêm 2 mũi vaccine đã ở mức cao. Với những người này, nguy cơ chuyển biến nặng là rất thấp. Do đó, thành phố nên dồn nguồn lực điều trị tập trung cho các ca bệnh nặng, nguy kịch", PGS Hùng nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm