Biến đổi khí hậu “tiếp tay” cho sốt xuất huyết bùng phát

(Dân trí) - Bên cạnh các nguyên nhân công nghiệp hóa, đô thị hóa, di dân tự do... biến đổi khí hậu gây xâm ngập mặn, El nino đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết bùng phát. Diệt muỗi và lăng quăng vẫn là giải pháp hữu hiệu để phòng bệnh cho cộng đồng.

Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM
Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM

Đó là nội dung được PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur, TPHCM cho biết trong cuộc họp thông tin về tình hình dịch bệnh tổ chức tại tỉnh Bến Tre ngày 18/8.

10 năm bùng phát dịch 1 lần

Theo PGS Phan Trọng Lân, những thập niên gần đây, bệnh sốt xuất huyết trên toàn cầu đang tăng với tốc độ “kinh khủng”, cứ sau 10 năm sốt xuất huyết lại tăng gấp đôi cả số lượng và diện mắc. Đến nay, 128 quốc gia đã có sự lưu hành của bệnh sốt xuất huyết. Một đất nước như Nhật Bản hơn 70 năm qua không có loại bệnh này nhưng hiện nay cũng đã bị sốt xuất huyết tấn công.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện có 3,9 tỷ người sống trong vùng lưu hành của dịch bệnh; khoảng 390 triệu người nhiễm bệnh mỗi năm, trong đó có 2% bệnh nặng tử vong. Châu Mỹ là khu vực có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất trên toàn cầu.

Thứ trưởng Thanh Long thị sát và hướng dẫn người dân phòng bệnh sốt xuất huyết
Thứ trưởng Thanh Long thị sát và hướng dẫn người dân phòng bệnh sốt xuất huyết

Tại Việt Nam từ 1985 đến nay, những nỗ lực từ công tác phòng và điều trị của ngành y tế và cộng đồng đang đạt được tín hiệu khả quan khi bệnh liên tục giảm cả số người mắc lẫn tử vong so với các nước trong khu vực như Singapore, Philippines, Malaysia... Tuy nhiên, những nghiên cứu khoa học đã chỉ ra cứ khoảng 10 năm dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam sẽ lặp lại chu kỳ 1 lần.

Theo đó, dự báo năm 2018 sẽ là đỉnh của dịch trong chu kỳ mới với mức độ được cảnh báo rất khốc liệt. Khu vực sẽ gánh chịu những hậu quả nặng nề do sốt xuất huyết gây ra sẽ tập trung tại các tỉnh thuộc khu vực phía Nam và Tây Nguyên nơi bệnh lưu hành quanh năm.

Thực tế đang chứng minh cho cảnh báo trên là hoàn toàn có cơ sở và chứng cứ khoa học bởi hiện nay, bệnh sốt xuất huyết đang hoành hành và gây họa cho cộng đồng dân cư sinh sống tại các khu vực trên. Thống kê sơ bộ trong 7 tháng đầu năm 2016 cho thấy, khu vực các tỉnh phía Nam đã có 20.017 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó 11 ca bệnh nặng tử vong.

Khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất

Theo phân tích chuyên môn của PGS.TS Phan Trọng Lân, ở nước ta bệnh sốt xuất huyết diễn ra quanh năm song tập trung khoảng 50% đến 60% tại khu vực các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên. Bệnh tăng cao và đạt đỉnh vào thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11 khi các điều kiện môi trường, khí hậu thuận lợi kết hợp với những tác nhân từ tình trạng ô nhiễm, công nghiệp hóa, đô thị hóa, di dân tự do của con người.

PGS Phan Trọng Lân chỉ ra, các tỉnh thuộc vùng núi cao như khu vực Tây Nguyên, tỉnh Bình Phước và khu vực đồng bằng Sông Cửu Long mà trọng tâm là tỉnh Bến Tre đang bị các yếu tố biến đổi khí hậu tác động sâu sắc, tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh bùng phát.

Muỗi sốt xuất huyết sẽ sinh trưởng, phát triển tốt trong môi trường nhiệt độ trung bình từ 25 đến 280C và sẽ yếu đi hoặc chết khi nhiệt độ nóng trên 320C hoặc dưới 170C. Các tỉnh Tây Nguyên có khí hậu ôn đới với 1 mùa đông lạnh. Tuy nhiên, dưới tác động của hiện tượng El Nino khí hậu vào mùa đông năm trước không lạnh khiến muỗi không bị chết đi đã tạo đà cho chúng sinh trưởng, phát triển dữ dội và gây bệnh trên diện rộng trong năm 2016.

Lu nước không đậy nắp tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển
Lu nước không đậy nắp tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển

Tại khu vực đồng bằng thuộc các tỉnh Miền Tây, vừa qua hiện tượng hạn hán dẫn tới xâm ngập mặn diễn ra trên diện rộng. Để tồn tại trong môi trường khắc nghiệt, người dân đã tăng cường tích trữ nước sạch, nước mưa trong lu, chum, vại hoặc bồn chứa. Tuy nhiên, những vật chứa trên không được vệ sinh thường xuyên đã tạo môi trường đặc biệt thuận lợi cho muỗi sốt xuất huyết sinh sống.

Riêng tại tỉnh Bến Tre, theo thông tin từ bà Nguyễn Kim Hồng, Phó Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm thuộc Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, sốt xuất huyết đã khiến 1.401 người phải nhập viện điều trị với 1 ca tử vong. Bệnh đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Để phòng bệnh hiệu quả, PGS Trọng Lân cho biết, vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết đã được nhà sản xuất đăng ký lưu hành tại Việt Nam và sắp được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, vắc xin chỉ có thể kéo giảm được nguy cơ mắc bệnh và bệnh diễn tiến nặng chứ không thể hoàn toàn chặn được dịch. Do đó, vệ sinh môi trường, tiêu diệt lăng quăng, muỗi gây bệnh, phòng tránh để không bị muỗi đốt... vẫn là giải pháp hiệu quả nhất và rẻ tiền nhất để cộng đồng phòng bệnh sốt xuất huyết.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm