Biến chứng viêm màng não nguy hiểm do mắc sởi

(Dân trí) - Sau 3 ngày điều trị các triệu chứng phát ban dạng sởi, đi ngoài phân lỏng, bệnh nhân càng lúc càng sốt cao, được đưa đến BV Bạch Mai trong tình trạng rối loạn ý thức. Kết quả xét nghiệm dịch não tuỷ có biến loạn với chẩn đoán viêm não - màng não do sởi.

Ngày 19/2, PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh nhân được chẩn đoán viêm não - màng não do biến chứng của sởi.

Nữ bệnh nhân Đ.H.V (28 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) được đưa đến BV Bạch Mai ngày 17/2, trong tình trạng sốt cao, bí tiểu, rối loạn ý thức. Trước đó, ngày 8/2/2019 bệnh nhân xuất hiện sốt cao, sau 3 ngày xuất hiện phát ban, tính chất ban dạng sởi, kèm đi ngoài phân lỏng, mắt đỏ và chảy nước mắt, nước mũi. Gia đình đã đưa bệnh nhân tới một bệnh viện Hà Nội điều trị, được chẩn đoán sốt phát ban, xét nghiệm IgM sởi dương tính.

Biến chứng viêm màng não nguy hiểm do mắc sởi - 1
Vết tích ban sởi vẫn còn trên chân bệnh nhân.

Tuy nhiên sau 3 ngày điều trị tại đây, bệnh nhân xuất hiện khó tiếp xúc, rối loạn định hướng, bí tiểu và được chuyển đến BV Bạch Mai.

Qua khai thác dịch tễ, trước khi phát bệnh, bệnh nhân đang sống và làm việc tại Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh  và cũng không nhớ đã được tiêm phòng sởi trước đó hay chưa. 

PGS Cường cho biết, viêm não - màng não sau sởi là một biến chứng hiếm gặp. Đây cũng là ca bệnh đầu tiên được ghi nhận bị biến chứng viêm não - màng não gặp trong mùa dịch năm nay.

Thời điểm hiện tại, bệnh nhân vẫn rối loạn ý thức, thở ô-xy và đang được theo dõi sát sao tại phòng hồi sức cấp cứu.

PGS Cường chia sẻ thêm, theo phác đồ của Bộ y tế, bệnh nhân sởi có biến chứng viêm não cần được chỉ định điều trị hỗ trợ bằng Imunoglobulin miễn dịch (IVIg) là loại thuốc rất đắt tiền.

"Điều trị tích cực bệnh có thể phục hồi nhưng cũng không loại trừ nguy cơ dẫn tới tử vong hoặc sau khi hồi phục để lại di chứng ảnh hưởng đến phát triển trí não, tinh thần, thể chất. Vì thế, hiện bệnh nhân tiếp tục được điều trị tại phòng hồi sức", PGS Cường cho biết.

Ngoài biến chứng viêm não, bác sĩ cảnh báo bệnh nhân mắc sởi có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng khác như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, rối loạn hấp thu, thiếu hụt vitamin A có thể dẫn tới mù loà...Với trẻ em, biến chứng viêm phổi gặp phổ biến nhất và rất nguy hiểm.

Đây không phải ca sởi người lớn đầu tiên phải nhập viện điều trị. Từ cuối năm 2018 tới nay, khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều ca sởi người lớn, nhiều ca nặng trên cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh mạn tính.

Diễn biến dịch sởi ở trẻ em tại Hà Nội cũng cho thấy số ca mắc sởi đang ra tăng. Theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 11/2- 17/2), trên địa bàn thành phố ghi nhận 78 trường hợp mắc sởi nâng tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay lên 192 trường hợp. Trong khi đó, 2 tháng đầu năm 2018, thành phố mới ghi nhận 22 trường hợp mắc sở

Các chuyên gia cảnh báo số lượng ca sởi ở Hà Nội cũng như các tỉnh phía Nam tăng đột biến. Đặc biệt ở trẻ em không được tiêm phòng và người lớn lứa tuổi 25-35 do không được tiêm nhắc lại vắc xin sởi.

Việc phòng sởi chủ động, hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc xin cho trẻ. Trẻ cần được tiêm phòng sởi đúng lịch, đủ số mũi để có tác dụng bảo vệ cao nhất.

Hồng Hải