Biến chứng vì thuốc nhỏ mũi

Dùng thuốc nhỏ mũi kéo dài, không tìm nguyên nhân để chữa trị có thể dẫn đến phì đại cuống mũi, thậm chí còn ảnh hưởng đến tính mạng.

Ngày 23/3, chị H., 32 tuổi, ngụ tại quận 10, TPHCM đến khám tại Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng TPHCM vì nghẹt mũi kéo dài và tình trạng ngày càng trở nên nặng nề. Ban đầu chị chỉ bị cảm bình thường kèm theo nghẹt mũi. Chị đã tự mua thuốc điều trị, trong đó có thuốc nhỏ mũi. Quả là công hiệu, chỉ cần vài giọt thuốc nhỏ vào mũi là chị lại cảm thấy thông thoáng, dễ thở. Tuy nhiên, bệnh không khỏi hẳn mà tái phát nhiều lần, mức độ nghẹt mũi ngày càng gia tăng.

Tại BV Tai Mũi Họng, chị H. được bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Lan, Trưởng Khoa Mũi xoang, chẩn đoán là phì đại cuống mũi do thuốc nhỏ mũi. Đây là hậu quả thường gặp ở người lạm dụng thuốc nhỏ mũi trong điều trị nghẹt mũi. Do có tác dụng co mạch, nên thuốc dùng để chữa nghẹt mũi rất tốt, nhưng lại chỉ được sử dụng trong vòng 3-5 ngày. Dùng quá thời gian trên, niêm mạc mũi sẽ bị trơ buộc bệnh nhân phải sử dụng liên tục và tăng liều.

Trung bình mỗi tuần, Khoa Mũi xoang - BV Tai Mũi Họng tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân bị phì đại cuống mũi do dùng thuốc nhỏ mũi. Ở những bệnh nhân này, lúc đầu nghẹt mũi chỉ là triệu chứng của cảm cúm, viêm mũi... nhưng do tự điều trị bằng kháng sinh hoặc uống thuốc không đúng liều, nên bệnh không dứt hẳn, dễ tái phát và dẫn đến việc lờn thuốc.

Theo bác sĩ Quỳnh Lan, do nước ta là xứ nóng, môi trường bị ô nhiễm, hiểu biết về chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân chưa đầy đủ nên tình trạng viêm mũi ngày càng nhiều. Viêm mũi gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người bệnh khiến họ thở khó, lừ đừ, cơ thể thiếu ôxy, giao tiếp hạn chế, mất khứu giác, ăn không ngon... Bệnh thường xảy ra ở những người trong độ tuổi lao động do thường xuyên tiếp xúc với không khí bẩn.

Đối với bệnh nhân bị phì đại cuống mũi, việc điều trị cần tích cực và lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì rất lớn của bệnh nhân. Nếu điều trị nội khoa thất bại, bệnh nhân sẽ được đo áp lực không khí trong mũi bằng sóng âm thanh để quyết định phẫu thuật. Trước đây, do trang thiết bị còn hạn chế nên bác sĩ chỉ có thể đo sức thở của bệnh nhân để chẩn đoán tổn thương mũi, vì vậy thiếu chính xác. Ngày nay, với máy đo bằng sóng âm thanh, thầy thuốc dễ dàng xác định vị trí tổn thương.

BV Tai Mũi Họng cũng vừa áp dụng máy cobaltox trong điều trị một số bệnh lý mà không gây chảy máu, trong đó có cắt phì đại cuống mũi. Bác sĩ Võ Quang Phúc, Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng, cho biết máy cobaltox có công dụng làm tan rã mô nhưng lại phát ra nhiệt độ thấp, chỉ 40 độ-70 độ C, nhờ vậy không gây phù nề, ít đau, thời gian hậu phẫu nhanh nên bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày.

Tuy nhiên, ngay cả sau khi điều trị bằng phẫu thuật, tình trạng viêm và phì đại cuống mũi vẫn có thể tái phát nếu người bệnh tiếp tục sử dụng thuốc nhỏ mũi tùy tiện hoặc chủ quan với tình trạng viêm mũi kéo dài.

Nếu dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi, thuốc nhỏ mũi có thể ảnh hưởng đến tính mạng vì đây là thuốc co mạch dễ gây phản ứng co mạch não. Ở người lớn tuổi, tình trạng co mạch não thường xuyên dễ gây cao huyết áp hoặc tử vong.

Theo Người Lao Động