Bị ung thư vú có nên tiếp tục uống sữa đậu nành?
(Dân trí) - Tôi bị ung thư vú giai đoạn 2 thể nội tiết. Trước đây, tôi có thói quen uống sữa, nhất là các loại sữa hạt nhưng tôi nghe mọi người truyền tai nhau uống sữa đậu nành làm phát triển khối u.
Thưa bác sĩ, thông tin này có đúng không? Tôi đang điều trị có nên tiếp tục uống sữa và sau khi điều trị có nên kiêng các sản phẩm từ đậu nành? (Lan Anh)
GS.TS Lê Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội): Tôi hiểu tâm trạng của bạn khi điều trị ung thư vú. Đầu tiên, tôi cũng phải nói lại nguyên tắc trong điều trị cho bệnh nhân ung thư đó là làm thế nào để đảm bảo tình trạng dinh dưỡng cho người bệnh. Cho dù là ung thư gì thì khẩu phần ăn cũng cần đảm bảo cung cấp đủ năng lượng protein, lipid và các vi chất.
Với bạn là ung thư vú và câu hỏi của bạn là có nên tiếp tục uống sữa, đặc biệt là sữa từ các loại hạt hay đậu nành không, tôi xin trả lời sữa là thức ăn tốt với người bị bệnh ung thư. Trong sữa có các chất dinh dưỡng từ chất đạm, chất béo, đường, các vitamin khoáng chất đã được tính toán ở mức độ cân bằng tỉ lệ giữa protid, lipid, cũng như các vitamin và khoáng chất.
Vì vậy, với bệnh nhân ung thư sữa là thực phẩm hết sức quan trọng. Vì thế, nếu như bạn đang uống sữa mà không có vấn đề gì về tiểu đường, thận thì chúng ta có thể uống các loại sữa mà bạn yêu thích.
Trường hợp bị tiểu đường, bệnh thận thì chúng ta sẽ tìm nguồn sữa phù hợp cho người bệnh này.
Về câu hỏi mối liên hệ giữa sữa đậu nành với người bị ung thư vú, thì đến nay chưa có bằng chứng khoa học nào chỉ ra uống sữa đậu nành làm tăng nguy cơ ung thư vú hay làm trầm trọng bệnh ung thư vú lên.
Ngược lại một số nghiên cứu của Nhật Bản và trên thế giới chỉ ra rằng trong đậu nành có chất isoflavone, các nội tiết tố nữ estrogen tốt cho phụ nữ bình thường ở độ tuổi sinh đẻ.
Với người bệnh ung thư, không có bằng chứng nào cho thấy các chất này làm cho bệnh ung thư nặng hơn. Thậm chí có nghiên cứu thấy rằng nếu chúng ta uống sữa đậu nành ở một hàm lượng nhất định, khoảng 15g một ngày thì nó còn có kết quả tốt hơn là không uống sữa đậu nành đối với người ung thư vú. Nghiên cứu này đã được chứng minh bởi người Nhật.
Vì thế, nếu bạn đang uống sữa thì tiếp tục uống sữa, nếu thích uống sữa đậu nành thì bạn có thể uống mỗi ngày 1-2 ly sữa đậu nành thì không có ảnh hưởng gì nguy hại đến tình trạng ung thư của bạn.
Những dấu hiệu cảnh báo ung thư vú gồm:
- Khối u không đau ở ngực
- Thường xuyên bị ngứa và rát quanh núm vú
- Núm vú bị rỉ máu, tiết dịch khác thường hoặc thụt vào, co lại
- Làn da trên vú bị sần da cam, dày lên hoặc bị lún xuống, có nếp gấp.
- Có hạch ở hố nách.
Sàng lọc ung thư vú:
Đối với các chị em có nguy cơ mắc bệnh ở mức trung bình, nên bắt đầu chụp nhũ ảnh sàng lọc ung thư vú mỗi 1-2 năm/lần, kể từ lúc 40 tuổi và không quá 50 tuổi. Xét nghiệm sàng lọc nên thực hiện định kỳ cho đến ít nhất là năm 75 tuổi.
Nam Phương ghi