Hà Tĩnh:
Bị người nhà bệnh nhân "quây" vì tắc trách, bác sỹ trốn vào nhà vệ sinh
(Dân trí) - Cho rằng bệnh viện làm việc quá tắc trách, trốn tránh trách nhiệm đối với bệnh nhân, rất đông người nhà của bệnh nhân Phạm Văn Hồng (thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà) đã quây Bệnh viện ĐK Sài Gòn - Hà Tĩnh nhiều tiếng đồng hồ.
Ngưng mổ cho bệnh nhân vì máy hỏng
Anh Phạm Văn Sơn (anh trai của anh Hồng) cho biết, ngày 17/3 anh Hồng lên cơn đau do bị sỏi thận nên được đưa đến Bệnh viện ĐK tỉnh Hà Tĩnh để mổ. Tuy nhiên, lúc này Bệnh viện ĐK Hà Tĩnh quá đông bệnh nhân, cộng với việc có 2 người lạ mặt giới thiệu sang Bệnh viện Sài Gòn – Hà Tĩnh có máy móc đầy đủ nên gia đình đã đưa anh Hồng sang đây.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, Bệnh viện ĐK Sài Gòn - Hà Tĩnh đã làm các thủ tục và khẳng định có thể mổ sỏi thận bằng phương pháp nội soi. Theo lịch hẹn, bệnh nhân Hồng sẽ được tiến hành mổ vào sáng hôm sau, tức sáng 18/3.
Đúng như lịch hẹn, 8h sáng ngày 18/3 anh Hồng được đưa vào phòng mổ để mổ sỏi thận. Khoảng 10h30 phút cùng ngày, anh Hồng được đưa sang một phòng bên để nằm điều trị nhưng chưa được mổ.
“Lúc đó vì thấy có vết máu và có ống thông tiểu trên người anh Hồng chúng tôi tưởng là đã mổ xong. Tuy nhiên khi hỏi thì các bác sỹ nói là máy đang bị hỏng nên chưa thể mổ được và hẹn khi nào sửa xong máy thì mổ lại”. Mặc dù bức xúc trước cách trả lời thờ ơ của phía bệnh viện nhưng gia đình anh Hồng đành phải chấp nhận làm theo.
Đến chiều ngày 20/3, gia đình tiếp tục lại được hẹn lên bệnh viện để tiến hành mổ. Thương anh Hồng liên tục lên cơn đau, một số người nhà của bệnh nhân đã đến gặp bác sỹ Trần Văn Thiều, Phó GĐ Bệnh viện ĐK Sài Gòn - Hà Tĩnh để tư vấn và hỏi máy móc đã tốt chưa để mổ thì giữa hai bên đã xảy ra mâu thuẫn.
“Chúng tôi thấy lần trước máy móc bị hỏng nên muốn biết là bây giờ đã đảm bảo để tiến hành mổ hay chưa. Chúng tôi cũng muốn họ cam kết là ca mổ phải thành công, nhưng ông Thiều, Phó GĐ bệnh viện nói cái này chúng tôi không thể cam kết. Thành công hay công phụ thuộc vào kíp mổ”, anh Sơn bức xúc thuật lại.
Thấy phía bệnh viện thờ ơ và trả lời thiếu trách nhiệm, gia đình anh Hồng đã yêu cầu được chuyển viện nhưng phía bệnh viện không đồng ý và gây khó dễ. Sau đó, lãnh đạo bệnh viện đã bỏ mặc bệnh nhân và người nhà rồi bỏ đi.
Quá bức xúc, rất đông người nhà của bệnh nhân đã "quây" bệnh viện và tìm gặp lãnh đạo bệnh viện để yêu cầu giải thích rõ ràng nhưng không tìm được.
Người nhà bệnh nhân Hồng đã gọi điện cho các lãnh đạo bệnh viện nhưng đều không được, đi khắp các phòng, hỏi các nhân viên trong bệnh viện thì không ai biết các lãnh đạo bệnh viện đang ở đâu.
Trốn vào nhà vệ sinh
Đến khoảng 16h cùng ngày sau khi thấy tình hình ngày càng phức tạp, đồng thời thấy sự xuất hiện của 2 cán bộ bên Sở Y tế Hà Tĩnh thì ông Trần Văn Thiều, Phó GĐ bệnh viện mới xuất hiện.
Lo bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng đến tính mạng nên gia đình anh Hồng kiên quyết xin được chuyển viện. Lần này, phía lãnh đạo Bệnh viện ĐK Sài Gòn - Hà Tĩnh mới đồng ý. Tuy nhiên, một tình tiết mới xuất hiện khiến 2 bên lại tiếp tục xẩy ra đôi co. Mặc dù anh Hồng đã được các bác sĩ bệnh viện này đặt một đường ống ở phía dưới ở bụng, song khi làm giấy chuyển viện thì lại không hề ghi điều này. Thấy lạ phía gia đình yêu cầu trong giấy chuyển viện, bệnh viện phải ghi đúng thực trạng. Tuy nhiên phía bệnh viện không đồng ý.
“Điều khiến chúng tôi bức xúc và thấy khó hiểu nhất là BS Thiều lúc đầu thì giải thích đó là lỗ thông tiểu, nhưng sau lại “phủi” hoàn toàn, nói bệnh viện không biết, bệnh viện chưa hề can thiệp vào”- một người nhà của nạn nhân Hồng bức xúc.
Cá nhân bệnh nhân Hồng, dù đang vật vã đau đớn trên xe cứu thương vẫn cố cho biết, lúc được đưa vào phòng mổ sáng 18/3 anh đã được các bác sỹ thông một cái ống vào trong bụng.
Đến khoảng 16h30, sau khi làm xong các thủ tục và trả tiền viện phí, gia đình đã đưa anh Hồng xuống Bệnh viện ĐK Hà Tĩnh để chữa trị.
Sau khi bệnh nhân Hồng rời đi, PV Dân trí đã tìm gặp được ông Trần Văn Thiều, Phó GĐ Bệnh viện ĐK Sài Gòn - Hà Tĩnh để làm rõ khách quan vụ việc. Ông Thiều cho biết, đúng là có sự việc bệnh nhân Hồng được đưa vào phòng mổ, nhưng bệnh viện không mổ được. Ông Thiều nói lí do bệnh viện không mổ được cho bệnh nhân là vì thiết bị máy móc bị hỏng giữa chừng.
“Sau khi đã sửa xong máy móc, chúng tôi đã hẹn gia đình đưa anh Hồng lên để mổ lại nhưng phía gia đình đã gây khó dễ và không chịu mổ nữa. Phía bệnh viện chúng tôi đã làm đủ chức trách, nhiệm vụ?”.
Về vấn đề tại sao người nhà tìm gặp rồi gọi điện để được giải thích nhưng mãi không được thì ông Thiều cho biết là do... quá sợ. “Người nhà của anh Hồng đòi đánh tôi và còn đòi tiền chúng tôi. Tôi sợ quá nên phải chạy vào nhà vệ sinh!”, BS Thiều nói.
Việc máy móc gặp sự cố trong quá trình mổ cho bệnh nhân là việc không ai mong muốn, có thể thông cảm được. Tuy nhiên, cách hành xử của lãnh đạo BVĐK Sài Gòn – Hà Tĩnh đối người nhà bệnh nhân trong lúc sự cố xảy ra, lúc tính mạng của người dân đang bị đe dọa là điều khó có thể chấp nhận được. Người dân không nhìn thấy khẩu hiệu của ngành y "Đến niềm nở, ở tận tình ,ra về dặn dò chu đáo" ở Bệnh viện ĐK Sài Gòn - Hà Tĩnh qua vụ việc này.
Xuân Sinh – Tiến Hiệp