Bị ngứa 10 năm mới biết giun từ chó mèo "đào hầm" trong da
(Dân trí) - Đa phần bệnh nhân khi bị ngứa thường nghĩ ngay tới các bệnh về da liễu, đi khám chuyên khoa da liễu, chuyên khoa dị ứng, miễn dịch. Nhiều người điều trị da liễu tới 5 năm, 10 năm không khỏi.
Giun đũa chó mèo "đào hầm" trong da
Liên tục hơn 5 năm qua, chị Ngọc (tên nhân vật đã được thay đổi), 40 tuổi, sống tại Hưng Yên bị tình trạng ngứa ngáy khắp người hành hạ.
Vì ngứa, chị Ngọc liên tục gãi dẫn đến nhiều vết trầy xước trên da. Người phụ nữ này đã đi khám da liễu ở nhiều nơi và thử qua nhiều loại thuốc nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm.
Mới đây, chị quyết định đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) để thăm khám.
Anh Quang (tên nhân vật đã được thay đổi), 32 tuổi, sống tại Hà Nội cũng đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ để thăm khám trong tình trạng trên da nổi lên nhiều vết phồng rộp như giun bò. Bên cạnh đó, người anh Quang còn có nhiều mảng da bị trầy xước, nhiễm trùng.
Đáng chú ý, hơn 10 năm qua, anh Quang bị tình trạng ngứa ngáy hành hạ đến mất ăn mất ngủ và đảo lộn cuộc sống hàng ngày. Anh Quang cũng đã đi khám tại nhiều cơ sở y tế chuyên về da liễu và dùng thuốc dị ứng vẫn không đỡ.
Điểm chung của 2 bệnh nhân là nhà có nuôi chó, mèo và thường xuyên tiếp xúc với thú cưng của mình.
Theo TS.BS Trần Huy Thọ - Phó giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, kết quả xét nghiệm của 2 bệnh nhân cho thấy, chỉ số Elisa dương tính với giun đũa chó mèo và bạch cầu ái toan tăng kèm theo các triệu chứng dị ứng trên da.
Việc thường xuyên âu yếm với thú cưng được BS Thọ nhận định là nguyên nhân lây nhiễm giun đũa chó mèo cho hai bệnh nhân.
Mầm họa từ thú cưng
Ngoài hai trường hợp trên, theo BS Thọ, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thường xuyên ghi nhận các trường hợp bệnh nhân mắc giun đũa chó mèo. Số lượng này ngày càng gia tăng.
Cũng giống như anh Quang và chị Ngọc, các bệnh nhân giun nhiễm giun đũa chó mèo hầu hết đến khám vì tình trạng ngứa, tổn thương, nhiễm trùng trên da kéo dài nhiều năm liền.
"Khi ngứa bệnh nhân sẽ gãi và gây tổn thương nhiều mảng da. Đầu móng tay bẩn là môi trường để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể khi gãi.
Đa phần bệnh nhân khi bị ngứa thường nghĩ ngay tới các bệnh về da liễu, đi khám chuyên khoa da liễu, chuyên khoa dị ứng, miễn dịch. Nhiều người điều trị da liễu tới 5 năm, 10 năm không khỏi", BS Thọ cho hay.
Theo BS Tạ Huy Hải - Khoa Điều trị, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ ấu trùng giun đũa chó mèo sẽ ký sinh vào đường ruột của chó, mèo. Trứng của chúng sẽ theo đường phân của chó mèo ra ngoài môi trường và phát tán vào nguồn nước. Nếu không may nuốt phải nguồn nước bị nhiễm trứng giun hoặc ăn rau được tưới bằng nguồn nước này thì chúng ta có thể bị nhiễm.
"Con người không phải vật chủ của giun đũa chó mèo nên chúng không phát triển được thành dạng trưởng thành. Khi vào cơ thể người, giun đũa chó mèo sẽ tách vỏ và thành nang ấu trùng trong máu gọi là ấu trùng di chuyển", BS Hải cho hay.
Ấu trùng giun đũa chó mèo có thể ở ngoài da, ở trong gan, trong tim, phổi và lên não. Tại mỗi vị trí khác nhau sẽ có những biểu hiện, triệu chứng khác nhau.
Tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ đã ghi nhận các bệnh nhân tổn thương gan do ấu trùng giun đũa chó mèo ký sinh ở trong gan; thậm chí khi giun đũa chó mèo ký sinh ở mắt còn khiến thị lực mất dần do mắt bị tổn thương.
Từ thực trạng này, các chuyên gia khuyến cáo, để phòng tránh nhiễm giun đũa chó mèo, những gia đình nuôi chó mèo phải vệ sinh, tắm rửa cho chó mèo thường xuyên; phải tẩy giun sán cho chó mèo định kỳ 3-6 tháng/lần; bên cạnh đó, không để phân chó mèo phát tán ra môi trường.