Bếp ăn tập thể: Đụng đâu cũng "nhiễm bẩn"

(Dân trí) - Khoảng 40% mẫu thực phẩm chế biến sẵn từ các bếp ăn tập thể được kiểm nghiệm tại Viện Pasteur bị nhiễm vi sinh vật. Điều này lý giải phần nào nguyên nhân nhiều vụ ngộ độc tập thể liên tiếp xảy ra trong thời gian qua.

An toàn vệ sinh thực phẩm đang là bài toán khó thách thức các đơn vị chức trách và đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng của người dân. Trong những năm gần đây, tình trạng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm có xu hướng ngày càng gia tăng.
 
Theo BS Nguyễn Thị Nguyệt, Viện Pasteur TPHCM, có rất nhiều nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm như: thực phẩm bị nhiễm các tác nhân sinh học, hóa học, vật lý… Ngoài ra việc sản xuất chế biến và thói quen tiêu dùng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh của cộng đồng cũng là tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ngộ độc thực phẩm đang là nỗi ám ảnh kinh khủng đối với người dân
Ngộ độc thực phẩm đang là nỗi ám ảnh kinh khủng đối với người dân

TPHCM là địa bàn có số dân đông nhất trên cả nước, nhu cầu về các suất ăn chế biến sẵn của các cơ quan xí nghiệp, trường học… luôn thường trực nhưng lại tiềm ẩn nhiều hiểm họa bởi chỉ cần một món ăn có chứa độc tố hoặc nhiễm độc tố sẽ cùng lúc gây họa cho rất nhiều người.

Cụ thể, theo nghiên cứu của viện Pastuer TPHCM năm 2013 trên 973 mẫu với các loại thực phẩm như thịt, thủy sản, trứng và sản phẩm từ trứng, ngũ cốc, gia vị của bếp ăn cung cấp, có tới 313/973 mẫu không đạt tiêu chuẩn vi sinh theo quy định của Bộ Y tế. Trong đó, tỷ lệ mẫu không đạt vi sinh do các công ty, xí nghiệp, cơ sở chế biến suất ăn sẵn là 257/740 mẫu; mẫu thực phẩm được chế biến tại các trường học (mẫu giáo, đại học) là 56/233 mẫu.

Theo phân tích của BS Nguyễn Thị Nguyệt, nhóm thực phẩm có số lượng mẫu không đạt tiêu chuẩn vi sinh cao nhất là nhóm rau (43,1%) điều này cho thấy nhiều nhà vườn đang dùng nhiều thuốc trừ sâu, phân tươi để can thiệp trong nuôi trồng. Kế nhóm rau là nhóm thủy sản và thịt (40,6% và 30,8%) nhóm cá bị nhiễm độc là do cá bị tẩm ướp để bảo quản bằng hóa chất hoặc cá ươn, nhóm thịt “bẩn” là do chăn nuôi bằng chất cấm hoặc bảo quản không đúng cách khiến vi khuẩn xâm nhập.

 
Cảnh nhếch nhác của một bếp ăn tập thể khi thanh tra Sở Y tế đến kiểm tra
Cảnh nhếch nhác của một bếp ăn tập thể khi thanh tra Sở Y tế đến kiểm tra

Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến về các vấn đề y tế vào đầu tháng 1/2014 do Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP cho biết, trong năm 2013, trên cả nước có 5.116 cơ sở có sản phẩm không đạt tiêu chuẩn VSATTP bị tiêu hủy với tổng số 5.518 loại sản phẩm. Trong đó, hai địa phương có số lượng hàng hóa không đạt bị phát hiện và xử lý nhiều là TPHCM và Hà Nội.

Một báo cáo khác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra trong năm qua đã phát hiện 22/2.653 mẫu thủy sản nuôi nhiễm hóa chất, kháng sinh vượt quá giới hạn cho phép; 25/1.190 mẫu thủy sản khô, cá biển khai thác vi phạm chỉ tiêu hóa học; 64/1.190 mẫu vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật; đặc biệt tỷ lệ mẫu thịt gia súc, gia cầm nhiễm vi sinh vật còn cao, đến 10%. Về kiểm soát thực phẩm nhập khẩu chính ngạch, 12/783 mẫu rau, củ quả vượt ngưỡng quy định.

 
Trước tình hình trên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến quan ngại: “Số ca ngộ độc phải nhập viện điều trị chỉ là một phần bề nổi, sự nguy hại gấp nhiều lần nằm ở tình trạng nhiễm độc mạn tính, ảnh hưởng ngấm ngầm đến sức khỏe lâu dài của giống nòi. Bây giờ ra chợ không biết mua gì, không ăn cũng chết mà ăn vào cũng sợ chết dần, chết mòn”.

 
Để có thị trường thực phẩm sạch phục vụ cho vui xuân đón Tết an toàn lành mạnh, Sở Y tế TPHCM đã đề ra 10 khẩu hiệu như thông điệp chuyển tới cộng đồng.

 1. Vì sức khỏe và sự phát triển bền vững hãy sản xuất ra những sản phẩm, thực phẩm chất lượng an toàn

2. Lãnh đạo chính quyền các cấp, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan hãy nêu cao vai trò trách nhiệm của mình trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

3. Không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

4. Mỗi người tiêu dùng hãy là một giám sát viên, đấu tranh với các hành vi vi phạm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

5. Hiểu và thực hiện đúng an toàn thực phẩm là trách nhiệm và lợi ích của doanh nghiệp và cộng đồng.

6. Thức ăn phải được che đậy, bảo quản hợp vệ sinh.

7. Không sử dụng nguyên liệu thực phẩm biến chất, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

8. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín.

9. Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn.

10. Giữ bề mặt chế biến thực phẩm, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ.

                               


Vân Sơn