1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vụ “mổ nang sỏi nhưng cắt túi mật”:

Bệnh viện Xanh Pôn “rút kinh nghiệm”?!

(Dân trí) - Ngày 14/1, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã thông báo kết luận điều tra vụ việc liên quan đến nội dung khiếu nại của anh Phạm Hùng Thắng đi mổ nang sỏi lại bị cắt túi mật ở bệnh viện Xanh Pôn.

Đã bị cắt túi mật hay còn?

Theo đơn khiếu nại của anh Phạm Hùng Thắng (26 tuổi, Đào Tấn, Ba Đình, HN) gửi tới Sở Y tế HN, BV Xanh Pôn và một số cơ quan báo chí thì kíp phẫu thuật của BV này đã có sự nhầm lẫn trong ca mổ của anh diễn ra ngày 6/2/07.

Trước đó, do bị đau bụng vùng thượng vị, anh đã 2 lần tiến hành siêu âm tại BV và phòng khám 72 Nguyễn Thái Học (do bác sĩ của BV giới thiệu), đồng thời tiến hành chụp cắt lớp vi tính, chụp phổi, thử máu thì được BS Đông, Trưởng khoa ngoại tổng hợp BV chẩn đoán, anh có nang ống mật chủ, trong nang có sỏi và cần thực hiện phẫu thuật.

Tuy nhiên, sau khi rời bàn mổ 5 ngày, anh đã hết sức ngạc nhiên khi kết quả siêu âm, thăm khám lại cho thấy phần nang đó vẫn còn, chứa rất nhiều sỏi, trong khi túi mật lại bị cắt đi. Giải đáp thắc mắc của anh, BS Đông cho biết, trong quá trình mổ, các bác sĩ thấy mật bị sưng, đường mật ngoằn nghèo nên cần cắt bỏ. Còn nang sỏi nằm ở cực dưới thận phải nên chưa lấy ra được, khi nào bệnh nhân khỏe lại mới có thể xử lý.

Đáng ngạc nhiên hơn nữa, ngày 21/3, khi đến siêu âm lại, cũng tại BV Xanh Pôn, các BS tại đây lại kết luận, túi mật của anh vẫn còn và bên trong chứa nhiều sỏi.

“Không cắt nhầm”

Đó là sự khẳng định từ phía lãnh đạo BV Xanh Pôn khi cho rằng anh Thắng vào viện với hội chứng viêm nhiễm đường mật, kết quả siêu âm và xét nghiệm đưa đến chẩn đoán có nang ống mật chủ, sỏi đọng lại trong nang này gây viêm nhiễm và đau đớn, cần phẫu thuật. Tuy nhiên khi mổ, bác sĩ thấy nang sỏi này nằm quá sâu trong tụy và tá tràng, nếu xử lý sẽ rất nguy hiểm cho bệnh nhân nên quyết định để lại, sau đó sẽ giới thiệu anh Thắng sang BV Việt Đức mổ nội soi, bởi Xanh Pôn hiện chưa có đủ điều kiện để thực hiện ca phẫu thuật phức tạp này. Cũng trong quá trình mổ, phẫu thuật viên phát hiện túi mật của bệnh nhân bị sưng to, dị dạng và đầy sỏi, cần được cắt bỏ nên đã thực hiện thao tác này.

Vì vậy, đây là yêu cầu phát sinh từ thực tế chứ không phải chẩn đoán nhầm. Chỉ định này cũng là quyền và trách nhiệm của kíp mổ nhằm đưa ra giải pháp tốt nhất cho sức khỏe bệnh nhân và không thể được thông báo hay hỏi ý kiến người bệnh bởi lúc đó anh đang được gây mê.

Tuy nhiên, theo như trình bày của anh Thắng thì cho đến khi hồi tỉnh, anh vẫn không hề được thông báo về sự thay đổi trên. Giấy ra viện của anh Thắng cũng không hề có ghi chú, hướng dẫn bệnh nhân sang Bệnh viện Việt Đức để tiếp tục làm phẫu thuật.

Giải thích về sự việc cùng một máy siêu âm nhưng lại cho hai kết quả khác nhau, khiến bệnh nhân hoang mang không hiểu túi mật của mình còn hay mất, phía BV cho rằng, kỹ thuật viên tiến hành siêu âm ngày 21/3 đã nhầm lẫn, bởi nang sỏi thành ống mật khá giống với phần ống mật đã được cắt bỏ nên đã “phán” nhầm. Đây là sự yếu kém về chuyên môn của kỹ thuật viên siêu âm!

Do bác sĩ kiệm lời?!

Ngày 14/5, Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành họp báo, thông báo kết luận về vụ việc này. Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế HN cho biết: "Sau khi nhận được đơn khiếu nại, Sở đã thành lập Hội đồng tư vấn chuyên môn để kiểm tra sự việc".

PGS Vũ Long, Chủ tịch Hội Chẩn đoán hình ảnh, Ủy viên Hội đồng này đã trực tiếp siêu âm lại cho anh Thắng và chính thức khẳng định túi mật của anh đã bị cắt.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, trao đổi thảo luận của các thành viên, Hội đồng chuyên môn đã thống nhất kết luận: Quá trình thăm khám chẩn đoán và hội chẩn chỉ định trước mổ của BV Xanh Pôn là đúng và đầy đủ theo đúng qui định của Bộ Y tế. Về xử trí của các kỹ thuật viên, việc cắt túi mật là được chấp nhận vì túi mật to, thành dày viêm mạn tính (đã được xác định về giải phẫu bệnh) và che lấp đường vào thăm dò ống mật chủ, nhưng sau khi phân tích, phẫu thuật viên thấy không thể vào được nên quyết định dừng lại để làm lần hai.

Hội đồng nhận định: “Đây là cách làm thận trọng, cần thiết của phẫu thuật viên để bảo đảm an toàn cho người bệnh”. Túi thừa ống mật chủ ở phần thấp là bệnh bẩm sinh, có sỏi là trường hợp khó chẩn đoán và xử trí. Quy trình kỹ thuật, cách thức phẫu thuật thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế.

Hội đồng này cũng cho rằng, BV Xanh Pôn và kíp phẫu thuật “cần rút kinh nghiệm” trong việc: “Phải giải thích cho bệnh nhân và gia đình trước và sau khi mổ một cách đầy đủ. Việc phối hợp giữa các bộ phận siêu âm, lâm sàng cần được hợp tác và thận trọng hơn”.

Ông Cường cho biết, sau khi Hội đồng chuyên môn đầu ngành thống nhất kết luận này, Sở sẽ mời anh Thắng lên để tiếp tục giải quyết vụ việc. Việc phía bị đơn có hài lòng hay không với kết luận mới thì vẫn phải chờ buổi làm việc tiếp theo.
 
P. Thanh- N. Dung