Bệnh viện "xanh": Giải bài toán tiết kiệm năng lượng, giảm chất thải nhựa

Minh Nhật

(Dân trí) - Khái niệm"bệnh viện xanh" không chỉ dừng ở việc tăng cường diện tích cây xanh mà còn là các hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa, sử dụng năng lượng xanh.

Giảm thiểu chất thải nhựa - Lợi cho người bệnh và bảo vệ môi trường

Những ngày gần đây, cũng như nhiều người bệnh khác, anh Nguyễn Duy Nhất ở Hải Phòng, khi đến thăm khám và điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã được nhân viên y tế hướng dẫn việc phân loại chất thải theo đúng quy định.

"Chúng tôi lên tới bệnh viện thấy công tác chữa bệnh và phục vụ tốt. Đồ ăn thức uống đựng bằng inox đảm bảo vệ sinh. Bệnh viện cũng tuyên truyền hạn chế dùng đồ nhựa một lần. Điều này tôi thấy rất có ích với môi trường và sức khỏe của người bệnh", anh Nhất chia sẻ.

Là cơ sở y tế đề cao tiêu chí thân thiện với môi trường, trong nhiều năm qua, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã từng bước giảm thiểu chất thải nhựa thay thế bằng các vật dụng có thể tiêu hủy được, xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời để lấy nước nóng cho bệnh nhân, thay thế hộp đựng cơm nhựa, thìa nhựa bằng inox, không sử dụng nước uống đóng chai nhựa.

ThS Nguyễn Viết Thành - Trưởng phòng Quản lý Chất lượng, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: "100% các khoa phòng và các vị trí tại bệnh viện đều được phân loại rác thải tại nguồn và nơi phát sinh rác thải. Bệnh viện đã sử dụng công nghệ 4.0, sử dụng hệ thống để lưu giữ hình ảnh và tiến tới là không in các phim X-quang để giảm thiểu rác thải nhựa".

Bệnh viện xanh: Giải bài toán tiết kiệm năng lượng, giảm chất thải nhựa - 1

Sử dụng túi giấy đựng thuốc và chai thủy tinh trong bệnh viện để thay thế túi đựng thuốc nilon, chai nhựa (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, với chủ trương giảm thiểu chất thải nhựa, xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, bệnh viện đã tập trung tuyên truyền tới người bệnh hạn chế sử dụng túi ni lông và các vật liệu từ nhựa. Bệnh viện đã phối hợp với Hội phụ nữ phường tận dụng các giấy một mặt để tạo thành các túi giấy đựng thuốc cho người bệnh thay thế cho túi nilông đựng thuốc như trước đây.

Không chỉ bảo vệ môi trường, ghi nhận trong thời gian qua, việc thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa cũng đem lại các lợi ích kinh tế cho các cơ sở y tế. Đơn cử như Bệnh viện Việt Nam Thụy điển - Uông Bí: hơn 600 triệu đồng/năm; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh: 300 triệu đồng/năm; Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cẩm Phả: 100 triệu đồng/năm.

Bệnh viện xanh: Giải bài toán tiết kiệm năng lượng, giảm chất thải nhựa - 2

Tuyên truyền cho người bệnh, người nhà người bệnh phân loại chất thải tại Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng xanh

Năm 2019, hưởng ứng Thư kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và để chung tay cùng toàn xã hội chống ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế.

Trong bối cảnh cả nước quyết tâm chuyển dịch từ năng lượng truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu, để cụ thể hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ, Bộ Y tế cũng đã bổ sung vào Quyết định 5959/QĐ-BYT ngày 31/12/2022 các tiêu chí mới về sử dụng năng lượng xanh, giảm thiểu chất thải nhựa y tế tại các cơ sở y tế.

Hiện nhiều bệnh viện đã chủ trương và đưa vào sử dụng năng lượng xanh, thực hành tiết kiệm điện. Như Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng lắp đặt hệ thống điện mặt trời cung cấp điện và toàn bộ nước nóng cho bệnh viện. Các bệnh viện cũng đưa nội dung tiết kiệm điện vào nội quy làm việc của toàn bộ nhân viên bệnh viện.

Tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh, mỗi năm cơ sở này tiêu thụ 2,5 triệu kWh điện. Tại các khoa, phòng điều trị hiện đang sử dụng bóng đèn huỳnh quang. Loại bóng đèn này chiếm số lượng lớn trong hệ thống chiếu sáng khiến dòng điện tiêu thụ cho toàn hệ thống lớn, công suất tiêu thụ tăng. Nhằm khắc phục tình trạng này, Bệnh viện đã sử dụng bộ điều khiển tập trung để điều khiển hệ thống chiếu sáng. Nhờ đó, bệnh viện đã tiết kiệm được hơn 40% điện năng cho hệ thống chiếu sáng.

Bệnh viện xanh: Giải bài toán tiết kiệm năng lượng, giảm chất thải nhựa - 3

Sử dụng năng lượng mặt trời cung cấp điện và nước nóng cho bệnh viện (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Để góp phần xây dựng môi trường bệnh viện xanh - sạch, an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, vì sức khỏe cộng động và đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh hơn nữa giải pháp về tăng trưởng xanh, giảm thiểu chất thải nhựa tại các cơ sở y tế đồng thời tổ chức tuyên truyền cho người bệnh, người nhà người bệnh cùng tham gia thực hiện.