Bệnh viện Việt - Pháp "dọa" kiện luật sư và báo chí

(Dân trí) - Các luật sư thuộc Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự bảo vệ quyền lợi cho gia đình bệnh nhân Jean Ramio cho biết, họ đã có buổi làm việc với Bệnh viện Việt - Pháp vào sáng 19/5 vừa qua. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải thích thỏa đáng trong buổi làm việc này.

“Nhiễm trùng vết mổ là việc… bình thường” (?)

 

Nội dung buổi làm việc là để trao đổi về những vấn đề khiếu kiện của gia đình liên quan tới việc chữa bệnh của Bệnh viện Việt - Pháp đối với bệnh nhân Ramio. Bệnh viện bảo lưu quan điểm cho rằng quá trình điều trị của mình là đúng. Nhưng luật sư Nguyễn Hồng Bách nêu ý kiến thẳng thắn: “Chúng tôi cho rằng Bệnh viện Việt - Pháp trả lời chưa thoả đáng. Bởi vì hiện nay bệnh viện luôn né tránh các câu trả lời để tháo gỡ các vấn đề mà gia đình nạn nhân đang khiếu kiện”.

 

“Khẳng định mình đúng nhưng khi đề cập đến những vấn đề có khúc mắc, ông Võ Văn Bản - Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Việt - Pháp lại thoái thác: Tất cả phải đợi hội đồng khoa học đánh giá” - luật sư Bách cho biết.

 

Khi cả luật sư và gia đình bệnh nhân mong muốn được bệnh viện cho biết tình trạng sức khỏe cũng như việc điều trị cho ông Ramio hiện nay thì ông Bản không trả lời.

 

Đặc biệt, cho đến thời điểm này, ông Bản đã thừa nhận thông tin: “Hội đồng chuyên môn nhận định là có sự nhiễm trùng vết mổ nhưng việc phẫu thuật không liên quan tới tình trạng bệnh nhân… Việc nhiễm trùng vết mổ sau mổ viêm phúc mạc cũng là một việc bình thường”.

 

Vậy mà cho đến trước buổi làm việc này, Bệnh viện Việt - Pháp nhất nhất khẳng định không có tình trạng nhiễm trùng vết mổ, vết mổ khô, tiến triển tốt trong khi cả Bệnh viện Tràng An và Bệnh viện Hữu Nghị đều kết luận có nhiễm trùng, không dám tiếp nhận bệnh nhân, chỉ định trả về Việt - Pháp.

 

Các luật sư nêu quan điểm, việc ông Bản nói “nhiễm trùng vết mổ là bình thường”, “hai bệnh lý này gần giống nhau (bệnh loét mặt trước hành tá tràng, viêm phúc mạc và viêm túi mật do sỏi của ông Ramio) cần phải mổ, khâu nên việc nhầm lẫn nhau cũng là chuyện bình thường” là chưa thoả đáng bởi vì ông không chỉ ra được một văn bản pháp luật nào cho phép hoặc nói đến điều này.

 

“Chúng tôi cho rằng sự giải thích từ một bác sỹ như thế là chưa ổn. Ông Bản nói trong y học cho phép nhưng nếu như thế thì mặc nhiên bệnh nhân không thể an toàn tính mạng trong khi vẫn phải trả tiền dịch vụ chữa bệnh với giá rất cao?” - luật sư Nguyễn Hồng Bách bức xúc.

 

Sự bất nhất khó chấp nhận

 

Vấn đề các luật sư cũng như thân nhân bệnh nhân đề cập nhiều nhất là trách nhiệm của người thầy thuốc đối với bệnh nhân. Bệnh viện Việt - Pháp luôn cam kết về trách nhiệm, dịch vụ tốt nhất của mình. Thế nhưng tại sao trong khi vết mổ của bệnh nhân đang bị nhiễm trùng, trong khi bệnh nhân chưa đủ điều kiện để ra viện thì bệnh viện lại cho bệnh nhân chuyển viện?

 

Về vấn đề viện phí, tính từ ngày 19/4 (sau khi bệnh nhân được đưa trở lại Việt - Pháp từ Bệnh viện Hữu Nghị) đến ngày 20/5 khoản viện phí đã lên tới 35.000 USD, trong đó, giá phòng bệnh viện áp cho bệnh nhân đã lên tới 900USD/ngày, cao hơn mức giường bệnh giá cao 850USD/ngày sau khi phẫu thuật. Bệnh viện Việt - Pháp khẳng định, trách nhiệm thanh toán khoản viện phí này thuộc về bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. “Đây là một quan điểm bất nhất khó có thể chấp nhận”.

 

Luật sư Bách phân tích “sự bất nhất” này: “Trước khi tiến hành phẫu thuật, bệnh viện không hề thông báo, xin ý kiến của gia đình người bệnh, tự ý mổ và lý giải vì đã có cam kết của bệnh nhân. Trường hợp này có thể coi gia đình bệnh nhân không đóng vai trò gì và không có quyền can thiệp. Họ không có quyền can thiệp tức là tước đi quyền của họ. Lẽ ra quyền và nghĩa vụ phải luôn luôn được xem xét một cách song song theo quy định của pháp luật, vậy tại sao Bệnh viện Việt - Pháp không cho họ quyền ký cam kết trước phẫu thuật mà lại bắt họ gánh nghĩa vụ trả tiền viện phí?”

 

Các luật sư cũng cho biết, trong buổi làm việc này, Bệnh viện Việt - Pháp cũng nêu quan điểm, có thể khởi kiện cả báo chí và luật sư. Đại diện bệnh viện khẳng định: “Bệnh viện chỉ khâu lỗ thủng dạ dày, nhưng một số báo lại viết là “cắt dạ dày”. Đồng thời, bệnh viện cho rằng, một số người (phóng viên) đã vào phòng, tự ý vén vết mổ lên để chụp ảnh… trộm. Về phía luật sư thì: luật sư đã có những phát biểu trên báo chí rằng các cơ quan chức năng nên lên tiếng để bảo vệ quyền lợi cho bệnh nhân. Bệnh viện cho rằng luật sư nói thế là chưa đúng.

 

Luật sư Bách phát biểu thẳng thắn: “Việc khởi kiện là quyền của bệnh viện. Chúng tôi có những cơ sở để chứng minh rằng Bệnh viện Việt - Pháp chưa làm đúng quy chế bệnh viện. Đồng thời, tôi cho rằng bệnh viện còn chưa làm đúng theo quy định tại giấy phép đầu tư được cấp”.

 

Bà Phạm Thị Hồng Phương, vợ bệnh nhân Ramio cũng cho biết sẽ kiện bệnh viện tới cùng nếu tất cả các vẫn đề không được làm sáng tỏ.

 

Phương Thảo - Trần Đức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm