1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh viện tuyệt đối không được để “lọt” bệnh nhân Covid-19

Nam Phương

(Dân trí) - Ngày 11/8, Bộ Y tế tiếp tục có công điện yêu cầu các cơ sở y tế chỉ định sớm xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, tuyệt đối không để tình trạng phát hiện muộn ca bệnh.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục rà soát, củng cố và thực hiện thật nghiêm các quy định về các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh đã ban hành, khắc phục ngay các vấn đề tồn tại khi phát hiện các nguy cơ không an toàn. Các cơ sở cũng cần lập danh sách và theo dõi tất cả nhân viên y tế, người bệnh và các trường hợp có liên quan đến các thông báo khẩn của Bộ Y tế. 

Bệnh viện tuyệt đối không được để “lọt” bệnh nhân Covid-19 - 1

Sau khi khai báo y tế, người bệnh được đo thân nhiệt khi đến khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Giải Phóng. Ảnh: Đức Anh.

Bộ cũng yêu cầu các đơn vị phải tăng cường các biện pháp sàng lọc, chỉ định xét nghiệm sớm SARS-CoV-2 đối với người bệnh, nhân viên y tế có biểu hiện nghi ngờ, kể cả trường hợp có tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng để phát hiện sớm và thực hiện cách ly kịp thời. Tuyệt đối không để tình trạng phát hiện muộn các trường hợp mắc bệnh.

UBND các tỉnh, thành và Thủ trưởng các đơn vị liên thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, việc tuân thủ Bộ Tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp. Người đứng đầu cơ sở chịu trách nhiệm khi phát hiện việc không thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh.

"Không được phép mất cảnh giác để 'lọt' bệnh nhân Covid-19"

Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến nâng cao năng lực chuyên môn cho các cơ sở y tế trong việc tiếp nhận, quản lý và điều trị Covid-19 mới đây, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhấn mạnh “chỉ cần để lọt một bệnh nhân vào thì cơ sở y tế có nguy cơ bị phong tỏa”. 

Ông thừa nhận phía trước còn rất nhiều thách thức dù chúng ta đã nỗ lực như thế, liên tục đưa ra các biện pháp ứng phó với tốc độ của dịch bệnh. 

Bệnh viện tuyệt đối không được để “lọt” bệnh nhân Covid-19 - 2
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế.

Từ ngày 29/7 số ca mắc tăng rất nhanh. Ca bệnh đầu tiên phát hiện tại Bệnh viện C Đà Nẵng, từ đó phát hiện thêm nhiều ca bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng, trong đó nhiều bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, điều trị dài ngày nên diễn biến bệnh rất nhanh. 

“Chúng ta nhìn bức tranh toàn cảnh thế giới vẫn là màu xám, dịch lan ra hơn 200 nước, số mắc cán đích trên 20 triệu, số tử vong khoảng 740.000 người, một con số rất lớn. Dịch bệnh tại các nước chưa đến đỉnh, số mắc ngày hôm sau cao hơn ngày hôm trước rất nhiều. Bức tranh thực sự ảm đạm trên thế giới. Chúng ta như vùng trũng, xung quanh nước vẫn dâng trào”, PGS Khuê chia sẻ.

Theo người đứng đầu Cục Quản lý khám chữa bệnh, thời gian qua, nhiều bệnh viện thực hiện tốt việc xét nghiệm, phân luồng, giãn cách, nhưng nhiều bệnh viện thực sự làm chưa đầy đủ. Cũng vì thế tại Đà Nẵng đã có 4 bệnh viện phải phong tỏa, đóng cửa, nội bất xuất ngoại bất nhập. 

“Nếu chúng ta tiếp tục mất cảnh giác như thế này thì chúng ta không còn thầy thuốc để cứu chữa bệnh nhân”, PGS Khuê nói.  

Vì thế, theo PGS Khuê nhiệm vụ quan trọng là không được phép lơ là một chút, một giây. Chỉ một bệnh nhân Covid-19 vào khám, được đi chụp X-quang, quay lại phẫu thuật thì sẽ rất nguy hiểm.