Bệnh viện “nuôi bệnh” để... thu tiền?

Không chỉ bệnh nhân Trương Quốc Hắm điều trị tại Bệnh viện Ngoại khoa Nguyễn Văn Thái (TP Huế) sau phẫu thuật bị sót gạc, dẫn đến viêm xương, tiêu hủy xương mà , trước đây cũng đã có nhiều bệnh nhân sau khi chữa trị tại bệnh viện này tốn kém hàng chục triệu đồng nhưng bệnh vẫn không khỏi, dẫn đến tiền mất tật mang.

Càng chữa bệnh càng nặng!

 

Trở lại trường hợp bệnh nhân Trương Quốc Hắm, nhập viện ngày 4/11/2006 tại Bệnh viện Ngoại khoa Nguyễn Văn Thái. Bệnh án do bệnh viện này lập ghi ông Hắm bị gãy liên mấu chuyển xương đùi trái (T). Khi nhập viện, tổng trạng tốt, da, niêm mạc hồng, kết quả chụp X-quang gãy liên mấu chuyển (T) nhiều mảnh, mất cơ năng đùi (T). Giấy chứng nhận phẫu thuật cũng đã mô tả phương thức chữa trị là phẫu thuật, nẹp vít chữ L xương đùi (T). Ca phẫu thuật đã được tiến hành và sau đó để quên một miếng gạc dày khoảng 1,5cm, dài 4cm, vừa được phát hiện ngày 17/8 vừa qua.

 

Điều đáng nói là sau khi mổ bệnh nhân không đứng dậy được, viêm nhiễm và rò rỉ dịch kéo dài nhưng những lần tái khám sau đó, bác sĩ Nguyễn Văn Thái vẫn đánh giá là vết thương chuyển biến tốt và tiếp tục kê đơn cho uống thuốc. Đáng lưu ý, để xử lý tình trạng viêm nhiễm này bác sĩ Thái đã cho "tấp kháng sinh mạnh" đồng thời cho súc rửa vết thương gây sốc khiến bệnh nhân suýt tử vong 2 lần. Tình trạng như trên kéo dài hơn 10 tháng đã làm gia đình ông Hắm tiêu tốn trên 32 triệu đồng, nhưng bệnh của ông vẫn ngày một trầm trọng hơn, cuối cùng phải đưa đến chữa trị tại một cơ sở y tế khác.

 

Thế nhưng, tất cả những phim chụp X-quang tại bệnh viện này người nhà xin nhận đều bị bệnh viện từ chối. Việc "để sót gạc" chính là nguyên nhân gây viêm nhiễm kéo dài dẫn đến tiêu hủy xương và hỏng hoàn toàn khớp gối. Theo các bác sĩ điều trị, giải quyết hậu quả này sẽ tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Chiều qua 23/8, Sở Y tế Thừa Thiên - Huế đã lập đoàn thanh tra tiến hành làm rõ sự việc đã nêu trên.

 

Nhưng trước đó, khoảng tháng 8/2005, tại bệnh viện này cũng có một trường hợp bệnh nhân bị gãy xương tay, sau quá trình chữa trị hơn 10 tháng thì... trầm trọng hơn, phải chuyển sang điều trị ở cơ sở y tế khác. Bệnh nhân này là anh Hoàng Văn Bay (37 tuổi, trú tại thôn Hoàng Giang, Xuân Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình). Anh Bay bị tai nạn giao thông tại địa phương, gãy cánh tay phải và được đưa vào Bệnh viện Nguyễn Văn Thái để cấp cứu và chữa trị.

 

Tại đây, anh đã được chẩn đoán bị gãy nát khớp xương khuỷu tay và được phẫu thuật với số tiền nộp vào 11 triệu đồng. Sau đó, anh Bay còn ra vào viện 3 lần và tốn khoảng 40 triệu đồng, nhưng cánh tay vẫn không khỏi. Đầu tháng 8/2005, anh Bay nhập viện thêm một lần nữa và được bác sĩ cho biết, muốn cánh tay cử động được phải tốn thêm 3.000 USD để thay khớp nhân tạo. Không thể chấp nhận, anh Bay xin hồ sơ bệnh án để sang cơ sở y tế khác điều trị nhưng bệnh viện không cho nên tối ngày 6/8/2005, ngay trước thềm bệnh viện, hai bên đã xảy ra giằng co, xô xát, gây náo loạn khiến công an phải đến can thiệp.

 

Có hay không một đường dây "cò" bệnh?

 

Theo bệnh nhân Trương Quốc Hắm, sau khi ông bị tai nạn thì gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Cuba (Đồng Hới). Tại đây bệnh viện đã tiến hành chụp X-quang và thông báo phải chuyển lên tuyến trên.

 

Theo quy định của ngành y tế, "tuyến trên" của các bệnh viện đa khoa địa phương phải là bệnh viện cấp TƯ, cụ thể ở đây là Bệnh viện Trung ương Huế. Thế nhưng, vì sao ông Hắm lại được đưa vào Bệnh viện Nguyễn Văn Thái? Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Hắm cho biết, lúc vào Bệnh viện Cuba chụp X- quang xong, nghe bác sĩ nói là bệnh nặng phải chuyển viện, người nhà không còn đủ tỉnh táo để lựa chọn sẽ vào bệnh viện nào mà hoàn toàn phụ thuộc vào đội ngũ lái xe cứu thương. Và cứ thế lái xe đã đưa thẳng nạn nhân vào Bệnh viện Ngoại khoa Nguyễn Văn Thái.

 

Không chỉ trường hợp của ông Hắm mà anh Bay cũng gặp phải tình trạng tương tự. Nhiều bệnh nhân khác từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị... khi đưa vào Huế điều trị cũng đều bị các lái xe cứu thương "tiếp thị và dẫn dắt" đến Bệnh viện Nguyễn Văn Thái. Phải chăng ở đây có một đường dây "cò" bệnh được thiết lập chặt chẽ giữa bệnh viện và các lái xe cứu thương?

 

Theo Bùi Ngọc Long

Thanh niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm