Vụ hoãn ghép gan: Bệnh viện Nhi đồng 2 gặp khó về chứng chỉ hành nghề Nhi?
(Dân trí) - Ngay sau khi Dân trí phản ánh việc Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) thông báo hoãn ghép gan khiến nhiều phụ huynh phải đưa con ra Hà Nội tìm đường sống, đơn vị này đã có phản hồi chính thức.
Cụ thể, theo thông tin phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 2 cung cấp trưa 22/5, trong các khoảng thời gian từ năm 2005-2009 và 2014-2018, bệnh viện ghép gan đều đặn 1-2 ca/năm, với tổng cộng 13 ca thực hiện trong 15 năm.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 gặp khó khăn về chứng chỉ hành nghề Nhi khoa
Từ năm 2019-2021, đại dịch Covid-19 làm gián đoạn công tác hỗ trợ của các giáo sư quốc tế, khiến công tác ghép gan của Bệnh viện bị đình trệ. Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tìm sự hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y Dược để thực hiện ghép gan "tự chủ", chủ yếu trong vấn đề lấy tạng người lớn.
Lý giải việc trì hoãn phẫu thuật ghép gan, phía Bệnh viện Nhi đồng 2 chia sẻ, để được cho phép ghép tạng theo đúng quy trình, các bác sĩ của nơi này gặp khó khăn về mặt chứng chỉ hành nghề chuyên ngành Nhi khoa hoặc Ngoại nhi, chưa được cấp các chứng chỉ hành nghề liên quan chuyên môn ghép tạng người lớn. Do đó, Bệnh viện đã chuẩn bị, cử bác sĩ tham gia những lớp học phù hợp.
Thứ hai, phòng mổ cũ của bệnh viện hạn chế về cơ sở hạ tầng, số lượng phòng mổ ít, nhân lực còn thiếu nhưng phải bảo đảm cho nhiều chuyên khoa như phẫu thuật tim hở, ngoại thần kinh, ghép tạng…, với nhiều trường hợp cần phẫu thuật gấp. Nếu nghiêng về ghép tạng, sẽ ảnh hưởng tiến độ phẫu thuật của các bệnh lý khác.
Hiện tại, phòng mổ mới của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã xây dựng gần hoàn thiện. Bệnh viện đang làm công tác báo cáo Sở Y tế TPHCM.
Nguyên nhân thứ ba khiến công tác ghép tạng bị trì hoãn theo Bệnh viện Nhi đồng 2, liên quan đến việc thiếu nguồn tạng để cấy ghép. Cụ thể, nguồn tạng ghép cho trẻ em rất hạn chế, đa số từ người cho trong gia đình. Tuy nhiên không phải bệnh nhân nào cũng tìm được nguồn tạng phù hợp.
Ngoài ra, để đảm bảo chuyên môn, bệnh viện cho biết gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian, từ chọn bệnh nhân phù hợp theo thứ tự trong danh sách, tiến hành xét nghiệm của cặp ghép, thành lập hội đồng chuyên môn nhiều lần để cùng bàn bạc các vấn đề phát sinh…
Còn nhiều câu hỏi cần trả lời
Bệnh viện Nhi đồng 2 khẳng định, nơi này vẫn đang tiếp tục cố gắng, để quy trình ghép tạng tự chủ được thực hiện sớm nhất và an toàn nhất.
Các phản hồi của Bệnh viện Nhi đồng 2 ít nhiều đã khẳng định thông tin nơi này bị trì hoãn ghép tạng nói chung, ghép gan nói riêng là đúng sự thật.
Tuy nhiên, bệnh viện vẫn chưa giải đáp được việc có tổng cộng bao nhiêu trẻ điều trị ở đây bị ảnh hưởng khi phẫu thuật này tạm ngưng. Và vì sao có nhiều cha mẹ được bác sĩ báo việc Bệnh viện Nhi đồng 2 hoãn ghép gan, cần tìm nơi khác điều trị, nhưng không biết nguyên nhân cụ thể là gì?
Như Dân trí đã thông tin, những ngày qua nhiều gia đình có con em bị xơ gan giai đoạn cuối, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 phải tìm cách chuyển ra Hà Nội điều trị, với quãng đường di chuyển xa xôi hơn, chi phí điều trị tốn kém hơn, khiến kinh tế ngày càng kiệt quệ.
Nguyên nhân được cho là bởi cơ sở chuyên khoa Nhi tuyến cuối duy nhất tại khu vực phía Nam thực hiện ghép gan đã bị trì hoãn phẫu thuật trên.
"Họ chỉ nói Bệnh viện Nhi đồng 2 tạm hoãn ghép gan mà chưa biết đến khi nào, cũng không nói lý do vì sao. Dự kiến, toàn bộ ca ghép gan của bé sẽ khoảng 600 triệu đồng, quá lớn so với thu nhập của vợ chồng tôi...
Nếu con được ghép gan ở TPHCM, mọi thứ đã đơn giản rất nhiều" - chị P., một người mẹ phải đưa con ra Bắc tìm đường sống chia sẻ.
Sau khi Dân trí nhiều lần liên hệ Ban Giám đốc lẫn phòng Kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện Nhi đồng 2 để tìm hiểu thông tin, đề nghị phỏng vấn, đến trưa ngày 22/5, đơn vị đã phản hồi chính thức sự việc trên.