1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh viện K: 1 tấn túi nilon rác mỗi tháng sẽ được thay thế bằng túi sinh học dễ phân huỷ

(Dân trí) - PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, thực hiện việc giảm thiểu rác thải nhựa, bệnh viện đang dần thay thế sử dụng túi nilon, đồ dùng một lần sang túi sinh học dễ phân huỷ, đồ tái sử dụng nhằm hạn chế thải rác nhựa ra môi trường.

Tại Hội nghị “Giảm thiểu chất thải nhựa trong Bệnh viện K” diễn ra chiều 28/8, PGS Lê Văn Quảng cho biết thực hiện chỉ thị giảm thiểu chất thải nhựa của Bộ trưởng Y tế, Bệnh viện K kêu gọi các đơn vị thuộc Bệnh viện giảm dần và tiến tới không dùng các sản phẩm từ nhựa khó phân huỷ để hạn chế rác thải nhựa trong ngành Y tế.

Bệnh viện K: 1 tấn túi nilon rác mỗi tháng sẽ được thay thế bằng túi sinh học dễ phân huỷ - 1

Thời gian tới tại Bệnh viện K, túi nilon đựng rác cũng sẽ được thay thế bằng túi sinh học dễ phân huỷ. 

BS Trần Thị Tuyết Mai, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện K) cho biết, hiện tại, bệnh viện đang thực hiện thay thế các đồ nhựa sang các vật liệu khác.

Như trong việc cung cấp bữa ăn cho bệnh nhân, thay vì cho cháo vào cốc nhựa, nay bệnh viện sử dụng chai thuỷ tinh đựng cháo. Nước canh cũng không để vào cốc nhựa mà sử dụng bát có nắp đậy; sử dụng khay đựng đồ ăn tái sử dụng.

Với các suất ăn, cháo từ thiện, bệnh viện cũng vận động người nhà bệnh nhân mang hộp đi đựng cháo. Với túi đựng thuốc của người bệnh, trước kia đều để túi nilon, thời gian tới sẽ được thay bằng túi giấy.

Đặc biệt, với túi đựng rác, hiện nay mỗi tháng bệnh viện dùng hết gần 1 tấn túi nilon đựng rác. "Chúng tôi đang xây dựng thầu để mua túi phân huỷ sinh học thay thế cho túi nilon. Thay được số lượng 1 tấn túi nilon mỗi tháng đã góp phần giảm thiểu rác thải nhựa rất lớn", BS Mai cho biết.

Theo thống kê của Ủy ban Châu Âu (EC), ước tính khoảng 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã sản xuất cho đến năm 2018. Khoảng 6,3 tỷ tấn nhựa trở thành rác thải; và khoảng 5 tỷ tấn tích lũy ngoài môi trường hoặc được chôn lấp. Hàng năm, tổng cộng khoảng 4,8 - 12,7 triệu tấn chất thải nhựa xả vào đại dương. 

Trong quá trình khám chữa bệnh, các cơ sở y tế cũng làm phát sinh chất thải nhựa. Trong đó, đa số chất thải nhựa là các túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt, phòng, chữa bệnh.

Theo báo cáo của một số cơ sở y tế được Cục Quản lý môi trường lấy ý kiến (như: Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ) thì tỷ lệ nhựa trong chất thải y tế (không bao gồm chất thải sinh hoạt) tại các bệnh viện này dao động trong khoảng 10 – 45%; tỷ lệ nhựa trong chất thải sinh hoạt tại cơ sở y tế trong khoảng 12-17%.

PGS Quảng cho biết bệnh viện K sẽ nỗ lực trong giảm thiểu rác thải nhựa. Chỉ những gì đặc thù không thể thay thế, như bơm kim tiêm sử dụng 1 lần, túi đựng dịch truyền, túi máu... còn những gì có thể thay thế được bệnh viện sẽ nỗ lực.

Trong đó, bước đầu thực hiện giảm thải rác thải nhựa qua việc thay thế đồ tái sử dụng trong cung cấp suất ăn; túi đựng rác sinh học, túi thuốc; hạn chế túi bóng đựng vật dụng cá nhân của người nhà...

Về lâu dài, trong ngành y các chai dịch truyền, đạm... cũng có thể thay thế nhưng sẽ khó khăn hơn. "Tôi cho rằng Bộ Y tế đã có chủ trương, thời gian tới Trung tâm đấu thầu quốc gia sẽ xem xét cả những tiêu chí về giảm thải chất thải nhựa trong việc đấu thầu", PGS Quảng nói.

Tại Bệnh viện K, các đơn vị đã kí cam kết với Ban Giám đốc Bệnh viện đảm bảo về nguồn vào, phê duyệt lệnh đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phải hạn chế tối đa các dụng cụ nhựa dùng 1 lần, nhựa khó phân huỷ, phải giảm thiểu ngay, giảm thiểu tối đa và tiến tới không dùng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần trong y tế. 

Các đơn vị đưa ra lộ trình tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống; sử dụng các vật dụng sinh hoạt, các dụng cụ, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng.

Hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni lông khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế. Phấn đấu tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và ni lông khó phân hủy trong Bệnh viện.

"Chúng tôi đã đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động của Bệnh viện. Vì vậy sẽ thực hiện đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; Chủ động phát hiện, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảm thiểu chất thải nhựa tại Bệnh viện", ông Quảng cho biết.

Hồng Hải