Bệnh viện đa khoa Nghệ An: Can thiệp gần 2.000 ca động mạch vành

(Dân trí) - Gần 10 năm BVĐK Nghệ An đã chụp và can thiệp gần 2.000 ca động mạch vành; hơn 100 ca can thiệp tim bẩm sinh như bít thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch, nong van động mạch phổi; 100 ca đặt máy tạo nhịp tạm thời và vĩnh viễn.

Kỹ thuật can thiệp tim mạch

Bệnh viện HNĐK Nghệ An là một trong những bệnh viện đầu tiên của khu vực Bắc Trung Bộ triển khai can thiệp tim mạch. Can thiệp tim mạch bao gồm nhiều kỹ thuật, trong đó những kỹ thuật cơ bản đã được ứng dụng, triển khai tại Việt Nam như: Thông tim chẩn đoán; Can thiệp động mạch vành; Can thiệp mạch ngoại biên, động mạch thận; Can thiệp cấu trúc tim: tim bẩm sinh, bệnh van tim; Thăm dò điện sinh lý tim và điều trị đốt điện bằng năng lượng sóng radio (RF).

Khác với phương pháp phẫu thuật truyền thống, đây là một dạng thủ thuật đặc biệt nên có những ưu điểm như không cần gây mê (đối với người lớn), không đau, ít chảy máu, thời gian thực hiện ngắn, tỉ lệ biến chứng thấp, bệnh nhân có thể đi lại sinh hoạt sau 24 giờ, có thể thực hiện trên bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh lý mãn tính đi kèm.

Theo ThS. BS. Nguyễn Huy Lợi, Phó trưởng khoa Tim mạch: xác định kỹ thuật can thiệp tim mạch là một trong những hướng phát triển chuyên môn mũi nhọn của bệnh viện, từ năm 2007, Khoa Tim mạch đã gửi các bác sĩ đi đào tạo theo dạng cầm tay chỉ việc tại Viện tim mạch Việt Nam và tiến tới đi đào tạo ở nước ngoài kỹ thuật thăm dò điện sinh lý và điều trị RF, can thiệp tim bẩm sinh phức tạp, nong van 2 lá…

Triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch tại Bệnh viện.
Triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch tại Bệnh viện.

Ca chụp và can thiệp động mạch vành đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện vào tháng 8/2009. Bệnh viện đã thực hiện thường quy kỹ thuật chụp và can thiệp động mạch vành qua da, can thiệp tim bẩm sinh, bít ống động mạch, thông liên nhĩ, cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn.

Tính đến nay (gần 10 năm) BV HNĐK Nghệ An đã chụp và can thiệp gần 2.000 ca động mạch vành; hơn 100 ca can thiệp tim bẩm sinh như bít thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch, nong van động mạch phổi; 100 ca đặt máy tạo nhịp tạm thời và vĩnh viễn.

Có những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp ngừng tuần hoàn ngoại viện, cái chết gần như đã nằm chắc trong tay nhưng sau khi đã được cấp cứu kịp thời và chuyển vào phòng can thiệp, các bác sĩ của Khoa Tim mạch Bệnh viện đã thông được động mạch vành và đặt stent giúp cứu sống bệnh nhân trong gang tấc…

“Qua những trường hợp cấp cứu thành công, không những mang lại sự sống và niềm vui cho bệnh nhân và gia đình họ mà còn mang lại niềm vui lớn cho cả đơn vị can thiệp tim mạch chúng tôi, tạo ra niềm động viên lớn lao giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn trong công việc”, BS Lợi chia sẻ.

Kỹ thuật can thiệp mạch máu não

Hiện nay, Bệnh viện HNĐK Nghệ An là một trong số ít bệnh viện tuyến tỉnh đã và đang triển khai kỹ thuật can thiệp mạch máu não bao gồm nút túi phình động mạch não bằng coil, nút dị dạng thông động tĩnh mạch não bằng Onyx, nút thông động mạch cảnh xoang hang.

Đây là một kỹ thuật chuyên sâu và đòi hỏi bệnh viện phải trang bị được đầy đủ máy chụp mạch số hóa xóa nền, máy chụp cộng hưởng từ có khả năng dựng mạch, máy chụp cắt lớp vi tính đa lát cắt có dựng mạch não và có đội ngũ bác sỹ phải được đào tạo chuyên sâu về thực hiện kỹ thuật.

Để làm được điều đó, Bệnh viện đã tập trung đầu tư cho cơ sở vật chất và trang thiết bị bệnh viện cần thiết cho quá trình điều trị can thiệp mạch não như: máy chụp động mạch não số hóa xóa nền: Philip Aluxa Xper FD 20, máy chụp cộng hưởng từ 1.5 tesla, máy chụp cắt lớp vi tinh 64 dãy, đây là bộ 3 không thể thiếu trong điều trị can thiệp mạch não. Về nhân lực, ngay từ những ngày đầu chuẩn bị triển khai, bệnh viện đã tạo điều kiện gửi các bác sỹ đi đào tạo chuyên sâu về can thiệp mạch tại các trung tâm y tế hàng đầu trong nước như tại bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Nhân dân 115 thành phố Hồ Chí Minh… Bên cạnh đó, trong thời gian đầu triển khai kỹ thuật tại bệnh viện, các bác sĩ Khoa Thần Kinh của Bệnh viện đã được các bác sỹ thuộc phòng can thiệp mạch của bệnh viện Bạch Mai trực tiếp về hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật.

Theo ThS. BS Lê Quang Toàn, Khoa Thần Kinh - BV HNĐK Nghệ An cho biết: Việc triển khai được các kỹ thuật chuyên sâu ngay tại BV tỉnh Nghệ An đã giúp bệnh nhân không phải chuyển tuyến trên mà vẫn được hưởng những thành tựu, tiến bộ mới của y học trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Bệnh nhân được điều trị ngay tại chỗ, đặc biệt là các ca bệnh cấp cứu, tránh được nguy hiểm và các rủi ro đáng tiếc khi vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong việc chăm sóc bệnh nhân và tiết kiệm được kinh phí cho người bệnh; góp phần hạn chế sự quá tải ở các bệnh viện tuyến Trung ương.

Được biết, hiện nay Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An có quy mô 800 giường bệnh chính thức đi vào hoạt động từ những ngày đầu tháng 10/2014, đánh dấu bước phát triển mới của ngành Y tế tỉnh nhà.

Bệnh viện gồm 46 khoa, phòng, có khả năng đáp ứng hơn 1000 lượt khám/ngày. Bệnh viện được đánh giá là hiện đại với các hệ thống trang thiết bị tiên tiến nhất được đầu tư một cách đồng bộ và khép kín.

Cùng với việc triển khai thành công các kỹ thuật cao, chuyên sâu ngay tại bệnh viện, đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện không ngừng nỗ lực để tạo nên khối đoàn kết, kỷ luật cao, sự phối hợp tốt giữa các khoa phòng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là điều mà Bệnh viện HNĐK Nghệ An luôn hướng tới.

Nguyễn Duy- Hoàng Yến