1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh viện Chợ Rẫy bị bệnh nhân tố “mổ sống như thời trung cổ"

(Dân trí) - Sau cuộc phẫu thuật nội soi cắt túi mật bệnh nhân tố bác sĩ đã “mổ sống” mình vì phương pháp gây mê không hiệu quả khiến bà chịu đau đớn suốt cuộc mổ. Phía bệnh viện khẳng định, đây là cuộc mổ thành công, bác sĩ đã đánh giá đúng độ mê của bệnh nhân trước mổ.

Bị “mổ sống” vì vỡ lọ thuốc?

Tuần qua, thông tin phản ánh trên trang cá nhân của nickname Cao Thị A.Đ. về việc mẹ bệnh nhân này là bà Phan Thị Thúy Ph. (54 tuổi, ngụ tại Bến Tre) bị các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy “mổ sống” vì gây mê không hiệu quả thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Bệnh viện Chợ Rẫy bị bệnh nhân tố “mổ sống như thời trung cổ - 1

Con gái bệnh nhân đã bức xúc cho rằng mẹ chị đã phải chịu đựng cuộc "mổ sống"

Theo phản ánh của chị Cao Thị A.Đ. mẹ của chị bị sỏi mật không còn khả năng điều trị nội khoa. Ngày 22/11 bà Thúy Ph. được các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện cuộc phẫu thuật nội soi cắt túi mật. Khi được đưa vào phòng mổ, bà được nhân viên y tế chích 1 mũi thuốc gây mê, sau đó, bà được nữ nhân viên y tế và thay đồ. Tuy nhiên, trong lúc thay quần áo, bà Thúy Ph. vô tình đạp trúng khay thuốc để trên giường làm các lọ thuốc bị vỡ khi rơi xuống sàn nhà. Các nhân viên y tế đã quét dọn mảnh vỡ của lọ thuốc sau đó bác sĩ bắt tay vào cuộc mổ.

Theo lời thuật lại của chị A.Đ. thì: “Khi bác sĩ đụng dao kéo để tạo lỗ đặt thiết bị mổ nội soi trên bụng, mẹ tôi bị đau dữ dội. Mọi thao tác của bác sĩ bà đều nhận biết nhưng không thể nói được vì cơ thể bị tê cứng, tay chân không thể co gồng được. Bà nghe được hết những gì bác sĩ nghe được tất cả những gì bác sĩ nói trong phòng mổ… khi bác sĩ thực hiện cuộc mổ bà chỉ biết gồng người chịu đau”.

Mọi cảm giác đau đớn và những lần “ngất đi tỉnh lại” đã được nữ bệnh nhân thuật lại cho thân nhân. Gia đình bệnh nhân cho rằng, lọ thuốc bị vỡ nhưng không được thay bằng lọ thuốc khác để chích bổ sung cho bệnh nhân là nguyên nhân khiến bà Thúy Ph. bị các bác sĩ “mổ sống như thời trung cổ”. Sau phẫu thuật, khi bệnh nhân tỉnh lại bác sĩ đến thăm bệnh, bà Thúy Ph. cũng thuật lại những cảm giác đau đớn của mình cho các bác sĩ. Gia đình cho biết, toàn bộ ê kíp phẫu thuật và nữ nhân viên y tế có liên quan tới lọ thuốc bị vỡ đã đến xin lỗi người bệnh nhưng không nhận được sự đồng thuận của gia đình.

“Bác sĩ đã đánh giá đúng độ mê”

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của bệnh nhân và thân nhân (ngày 26/11) Hội đồng Chuyên môn Bệnh viện Chợ Rẫy do PGS.TS.BS Trần Minh Trường, Phó giám đốc bệnh viện làm Chủ tịch hội đồng đã họp, xem xét và kết luận vụ việc liên quan đến bệnh nhân Thúy Ph.  

Theo đó, trước khi đến Chợ Rẫy bà Ph. bị đau thượng vị, đi khám ở bệnh viện Kiên Giang, phát hiện sỏi túi mật. Tại Chợ Rẫy, sau thăm khám bác sĩ chỉ định phương pháp phẫu thuật cắt túi mật nội soi cho người bệnh. Quá trình hậu phẫu, bệnh nhân cho biết tỉnh và đau suốt cuộc mổ. Sau cuộc mổ 5 ngày, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, không đau bụng, không đau vết mổ, ăn cháo biết ngon, siêu âm bụng không thấy bất thường.

Bệnh viện Chợ Rẫy bị bệnh nhân tố “mổ sống như thời trung cổ - 2

Bệnh viện khẳng định không có sai sót chuyên môn trong gây mê, phẫu thuật cho người bệnh (ảnh minh họa)

Về thông tin, người nhà bệnh nhân phản ánh trên facebook, theo kết luận của Hội đồng Chuyên môn bệnh viện: “Lọ thuốc nhân viên y tế làm vỡ là thuốc cầm máu (Cyclonamin, trị giá 24.000đ). Đây là sự cố nhỏ, không liên quan đến cuộc gây mê, phẫu thuật cho bệnh nhân. Theo quy định của bệnh viện, với sự cố ngoài ý muốn trên nhân viên phòng mổ đã giữ lại vỏ lọ thuốc, báo cáo cho khoa đổi lọ thuốc khác”.

Hội đồng Chuyên môn bệnh viện khẳng định, kíp bác sĩ và điều dưỡng đã thực hiện gây mê cân bằng cho người bệnh gồm giai đoạn tiền mê (chích thuốc probofol) sau đó gây mê bằng khí mê duy trì. Việc tiền mê bằng thuốc truyền tĩnh mạch có thể gây cảm giác đau cho bệnh nhân kéo dài hoặc thoáng qua tùy theo tốc độ và thời gian truyền thuốc. Bác sĩ đã đánh giá bệnh nhân mê đúng độ cho phép trước khi thực hiện cuộc phẫu thuật.

Mặt khác, trong quá trình gây mê và tiến hành mổ nội soi ổ bụng có bơm hơi làm căng chướng bụng, giãn cơ chủ động nên thông tin cho rằng bác sĩ đã “mổ sống” là không có cơ sở. Điều này được thể hiện qua bảng dấu hiệu sinh tồn và lâm sàng của bác sĩ gây mê, bệnh nhân luôn được duy trì ở mức bình thường, không có biến đổi. Liều lượng thuốc khởi mê trong khi phẫu thuật và hậu phẫu là thích hợp. Tại hậu phẫu, bệnh án ghi nhận bệnh nhân còn trong tình trạng mê.

Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, đau trong bệnh nhân gây mê có thể xảy ra và tùy theo ngưỡng chịu đau của mỗi người. Theo y văn, thời điểm bệnh nhân đau nhiều được ghi nhận là lúc khởi mê và đau nhiều nhất là thời điểm bắt đầu hồi tỉnh. Chỉ có gây mê đạt đủ độ thì bác sĩ mới có thể mổ được cho bệnh nhân nếu không cơ thể người bệnh sẽ có những phản ứng bất lợi cho cuộc mổ.

Ca nội soi cắt túi mật cho người bệnh diễn ra thuận lợi, thành công. Phía bệnh viện cho biết, hành động xin lỗi khi người bệnh than đau từ phẫu thuật viên và nhân viên y tế của bệnh viện thể hiện thái đội lịch sự và quan tâm, chia sẻ với người bệnh. Việc xin lỗi của bác sĩ và nhân viên y tế hoàn toàn không phải hành vi xác nhận đó là sự sai sót về mặt chuyên môn.

Vân Sơn