Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Dịch "vỡ" ở những khoa không ngờ tới
(Dân trí) - Mật độ bệnh nhân Covid-19 tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương rất lớn, với gần 300 ca. Tại đây cũng đã có 9 nhân viên y tế, học viên dương tính.
Sáng 12/5, Bộ Y tế có buổi họp trực tuyến với 2 bệnh viện tuyến trung ương đang bị phong tỏa là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết thời gian gần đây đã phát hiện một số ca bệnh có nguồn gốc từ ca bệnh đã phát hiện ở 2 bệnh viện trên. Các địa phương, 2 bệnh viện đã cố gắng, tập trung cao nhất để khoanh vùng, dập dịch.
"Đến nay, chúng ta vẫn đang kiểm soát rất tốt dịch bệnh ở trong nước cũng như tại 2 bệnh viện. Tuy nhiên, tôi đề nghị 2 bệnh viện đánh giá, rà soát lại các biện pháp phòng chống dịch để làm sao sớm nhất dỡ bỏ được phong tỏa của 2 bệnh viện", thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.
TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết hiện nay có gần 300 bệnh nhân dương tính đang điều trị, mật độ rất lớn. Trong đó có 5 bệnh nhân nguy kịch, 4 người phải thở máy, 2 trường hợp lọc máu, một bệnh nhân chạy ECMO, 14 bệnh nhân nặng khác. Bệnh viện có 9 nhân viên y tế, học viên mắc Covid-19.
Theo TS Thạch, trong vụ dịch này, tất cả các nhân viên chăm sóc bệnh nhân Covid-19 sau sàng lọc đều không có ai dương tính. Nhưng dịch lại xuất hiện ở khoa phòng khám- chỗ tiếp xúc ban đầu, khoa nhiễm khuẩn thông thường, điều trị tích cực, "vỡ" vào những khoa, những chỗ không ngờ đến.
"Trong đợt dịch này xuất hiện chủng của Ấn Độ, nhiều bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng. Trong 10 ngày đầu, hầu như các bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng nhưng vẫn mắc Covid-19 nên chúng tôi rất bất ngờ", TS Thạch chia sẻ.
Theo TS Thạch, một bệnh nhân bình thường đến khám, Bệnh viện không thể biết được vì đây đều là những bệnh truyền thống như viêm gan mạn, ung thư, không có biểu hiện lâm sàng mắc Covid-19. Tại cộng đồng xuất hiện các ổ dịch do biến chủng Ấn Độ cũng hoàn toàn mới.
TS Thạch cũng khẳng định tất cả các khoa liên quan Covid-19 đều an toàn, khả năng chỉ trong tuần này sẽ cơ bản kiểm soát được dịch.
Bệnh viện mong muốn chuyển các bệnh nhân thường, bệnh nhân Covid-19 có 2-3 lần âm tính sang các bệnh viện khác để có thể nhận các bệnh nhân Covid-19 khác, đặc biệt là bệnh nhân nặng.
Trong khi đó, đại diện Bệnh viện K đề nghị Bộ Y tế xem xét đánh giá lại nếu xét nghiệm 2 lần âm tính có thể cho mở lại cơ sở 1, cơ sở 2 và một số khoa phòng của cơ sở Tân Triều.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị 2 bệnh viện rà soát lại khâu tổ chức, điều hành trong phòng chống dịch, kiện toàn lại ban chỉ đạo phòng chống dịch, do giám đốc làm trưởng ban.
Thứ hai rà soát, bổ sung kế hoạch phòng chống dịch trong bệnh viện.
Thứ ba là rà soát công tác sàng lọc trong bệnh viện, từ phân luồng khám sàng lọc với tất cả đối tượng đến khám chữa bệnh. Bản thân tôi cũng như các đoàn của Bộ Y tế đã đi kiểm tra thấy các đơn vị đều làm tốt song chỉ sợ đoàn kiểm tra rút đi thì có duy trì như lúc đoàn kiểm tra đến không.
Định kỳ ít nhất 7 ngày, các bệnh viện phải xét nghiệm cho cán bộ nhân viên làm việc ở nơi có nguy cơ: khoa cấp cứu, trung tâm thận nhân tạo, hô hấp và truyền nhiễm… sau này tiếp tục sàng lọc xét nghiệm toàn bộ nhân viên bệnh viện là tốt nhất. Bệnh viện cần thực hiện nghiêm điều này.
Thứ trưởng đặt câu hỏi hai bệnh viện đã làm tốt việc khám sàng lọc chưa? Nếu làm tốt sàng lọc thì công tác kiểm soát dịch sẽ tốt hơn.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là tuyến cuối về điều trị Covid-19. Các bệnh nhân ở các địa phương quanh Hà Nội, các bệnh nhân nặng đều chuyển về. Vì thế, Thứ trưởng yêu cầu Bệnh viện cần rà soát lại ngay quy chế, hướng dẫn, quy trình thực hiện trong các khu điều trị bệnh nhân Covid-19 như thế nào, để tránh lây nhiễm chéo trong khu điều trị, trong bệnh viện và lây nhiễm ra cộng đồng.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, và thực tế tại Việt Nam thì có trên 80% các bệnh nhân chưa cần thở máy và can thiệp, chỉ cần sử dụng các biện pháp hỗ trợ khác, điều trị chủ yếu bằng thuốc, chế độ ăn, luyện tập nhằm nâng cao thể trạng để bản thân bệnh nhân sinh ra kháng thể chống lại virus.
Thứ tư, hai bệnh viện cần thường xuyên nhắc nhở trong bệnh viện, cán bộ y tế, bệnh nhân và người nhà- thậm chí có hệ thống truyền thanh của bệnh viện để tuyên truyền nhắc nhở ở nơi đông người như phòng khám- nơi bệnh nhân đến tập trung đông ngay từ đầu, thực hiện nghiêm biện pháp 5K. Một trong các biện pháp chống dịch của Việt Nam được đánh giá cao là thực hiện 5K, trong đó vấn đề khẩu trang hết sức quan trọng.
Thứ năm là rà soát lại, chỉnh sửa quy chế ra vào thăm bệnh nhân, hạn chế tối đa người nhà vào thăm, đặc biệt trong tình hình dịch hiện nay. Một trong những ổ dịch tại xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh là do thuê cả một chuyến xe 16 chỗ thăm bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (đến nay đã có 6 người bị).
Thứ trưởng cũng đề nghị hai bệnh viện rà soát lại kỹ tất cả các bệnh nhân, người đến khám chữa bệnh ở bệnh viện từ ngày 14/4 với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và với Bệnh viện K là từ ngày 16/4 trở lại đây, ở địa phương nào thông báo đến địa phương đó, giao công an y tế rà soát giám sát tất cả các đối tượng này, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, sớm phát hiện ca bệnh F0 để không lây nhiễm cho cộng đồng. Các bệnh viện cũng cần thực hiện nghiêm việc cách ly y tế - nội bất xuất, ngoại bất nhập, buồng bệnh nào ở buồng bệnh đó, khoa nào ở khoa đó, hội chẩn chuyên môn thì phải đeo khẩu trang, khoảng cách…
Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương cần thực hiện phương châm 4 tại chỗ, bệnh nhân xảy ra tại địa phương nào thì điều trị tại địa phương đó, không chuyển hết lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trừ ca nặng, vượt quá khả năng. Bệnh viện K cũng vẫn cần tiếp tục thu dung, điều trị bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân nặng.