1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh viêm mũi dị ứng và hen phế quản tăng nhanh

(Dân trí) - “Vào mùa đông - xuân, số người phải nhập viện vì hen phế quản tăng lên khoảng ¾ so với các mùa khác. Đặc biệt, tình trạng bệnh của những người có tiền sử viêm mũi dị ứng và hen phế quản cũng nặng hơn trong thời tiết lạnh”.

Bác sĩ Đỗ Trương Thanh Lan, Khoa Dị ứng, bệnh viện Bạch Mai đã cho biết như vậy.

 

Thời tiết lạnh làm bệnh nặng hơn

 

Phòng khám bệnh viện Bạch Mai mấy ngày gần đây, dù thời tiết đã ấm hơn nhưng số bệnh nhân đến khám vì viêm mũi dị ứng và hen phế quản không ngừng tăng lên.

 

Lý giải tình trạng này, bác sĩ Lan cho biết, đó là do sự bất ổn của thời tiết, ngày thì nắng ấm nhưng nửa đêm về sáng nhiệt độ lại xuống thấp và có sương nên rất lạnh. Sự thay đổi thời tiết đột ngột như vậy khiến nhiều người có tiền sử hen rất dễ bị lên cơn co thắt khó thở và phải nhập viện cấp cứu. Nếu không được cấp cứu kịp thời người bệnh có thể bị tử vong

 

Tại phòng điều trị nội trú khoa Dị ứng, trong tổng số 60 bệnh nhân, có tới 1/3 số bệnh nhân bị hen phế quản. Theo bác sĩ Lan, những người bị bệnh viêm mũi dị ứng cũng phải đề phòng nguy cơ bị chuyển sang thể hen. Bởi có khá nhiều bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng ở thể nặng đã chuyển thành hen phế quản và phải nhập viện điều trị.

 

Thông thường, người bị viêm mũi dị ứng ít khi phải nằm viện điều trị, nhưng khi bị viêm mũi dị ứng mà có các yếu tố: gia đình có tiền sử hen, hay phải tiếp xúc môi trường bụi, khói thuốc… rất có nguy cơ chuyển thành hen.

 

Muốn điều trị bệnh mũi dị ứng cũng phải dùng thuốc xịt đều đặn. “Có thể dùng thuốc xịt Flixonase ngày hai lần để điều trị triệu chứng của viêm mũi dị ứng và giảm thiểu nguy cơ chuyển sang hen phế quản” - bác sĩ Lan khuyên.

 

Hen phế quản là loại bệnh có thể xảy ra quanh năm, do từng cơ địa mà có người bị vào mùa hè, người bị vào mùa đông - xuân, mùa thu, nhưng ở những mùa khác thì tỷ lệ người bị hen phế quản ít hơn mùa đông xuân, chỉ chiếm khoảng ¼ số bệnh nhân. Nguyên nhân căn bản là do vào mùa đông - xuân, ngoài yếu tố thời tiết thì cũng là mùa phấn hoa phát tán mạnh làm tăng nguy cơ lên cơn hen.

 

Kiểm soát cơn hen

 

Bệnh viêm mũi dị ứng và hen phế quản tăng nhanh - 1

Bác sĩ Thanh Lan

Hen không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát cơn hen triệt để. Nhờ chương trình quản lý hen trong cộng đồng, hướng dẫn bệnh nhân khống chế cơn hen mà mấy năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân hen phải nhập viện ít hơn rất nhiều so với 5 - 7 năm trở về trước.

 

Để khống chế cơn hen, về cơ bản vẫn là dùng thuốc xịt, nhưng người bệnh cũng có thể kết hợp chế độ luyện tập nhịp thở bằng cách tham gia lớp khí công, tập thở… để biết cách thở. Thế nhưng, khi lên cơn hen bắt buộc phải dùng thuốc, nếu không những cơn co thắt sẽ làm nhịp thở người bệnh tăng lên, khó thở, thiếu ô xy dẫn đến dối loạn ý thức, hôn mê, suy hô hấp và có thể bị tử vong.

 

Dự phòng cơn hen như thế nào?

 

Muốn dự phòng bệnh viêm mũi dị ứng và dự phòng cơn hen buộc phải dùng thuốc điều trị. Bác sĩ Lan cho biết, người bị hai bệnh này nên xịt thuốc đều đặn 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối vào những giai đoạn có triệu chứng của bệnh.

 

Đồng thời, người bị viêm mũi dị ứng, bị hen cần tránh xa các yếu tố khởi phát cơn hen: Tránh bụi, tránh tiếp xúc với mùi sơn, hoá chất tẩy rửa, nấu thức ăn có mùi đặc biệt. Hạn chế đốt hương, dùng bếp than, bếp củi, không hút thuốc lá. Người bị viêm mũi dị ứng, hen cũng không nên tiếp xúc với chó, mèo, thú nhồi bông.

 

Theo ước tính: 5% dân số nước ta bị hen, tương đương 4 triệu người. Dấu hiệu quan trọng nhất của người bị hen là khó thở, thở nông hơn, cảm thấy nặng ngực và kèm theo là những cơn ho khan hoặc chỉ có một lượng đờm nhỏ. Người bệnh hay mệt mỏi, chán ăn, không muốn làm việc nặng.

 

Với các dấu hiệu nguy hiểm sau, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện ngay: Nói năng khó nhọc từng từ; tím tái môi, đầu chi, vã mồ hôi; cánh mũi phập phồng liên hồi; co kéo xung quanh những xương sườn và cổ khi thở; nhịp tim hoặch mạch nhanh hơn 120 lần/phút; đi lại khó khăn.

 

Hồng Hải